Cải thiện cảnh báo khí hậu sẽ có thể cứu sống hàng nghìn người

Theo ước tính của Liên hợp quốc có khoảng 23.000 người được cứu sống mỗi năm nếu công tác dự báo thời tiết, hệ thống cảnh báo sớm và thông tin về khí hậu được cải thiện.
Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng càng trở nên tồi tệPhục hồi hệ sinh thái để ứng phó với biến đổi khí hậuChâu Á - Thái Bình Dương cần hành động mạnh mẽ chống biến đổi khí hậuKhẳng định đóng góp của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Báo cáo Lỗ hổng thủy văn do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên Hợp Quốc công bố ngày 8/7 cho biết, việc đầu tư vào các chương trình cảnh báo sớm có thể mang lại lợi ích tiềm năng lên tới ít nhất 162 tỉ USD mỗi năm, gấp 10 lần chi phí đầu tư.

tm-img-alt
Đầu tư vào các chương trình cảnh báo sớm có thể mang lại lợi ích tiềm năng lên tới ít nhất 162 tỉ USD mỗi năm. (Ảnh: Zing)

Nghiên cứu cho thấy các hệ thống cảnh báo sớm về thời tiết, khí hậu, thủy văn và các vấn đề về môi trường liên quan, là nền tảng để thích ứng và chống chọi với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả. Báo cáo cũng xem xét các giải pháp về hành động khí hậu hiệu quả cũng như phát triển bền vững, và cho thấy hiện chỉ có 40% các quốc gia có hệ thống cảnh báo hiệu quả. Trong khi đó, một số nước lại thiếu năng lực cơ bản nhất về trang thiết bị và chuyên môn.

Việc đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm và dự báo thời tiết chính xác có thể tránh được những thiệt hại và cải thiện hiệu quả kinh tế ở những lĩnh vực dễ bị tổn thương do thời tiết, đồng thời cũng có thể giúp tăng cường khả năng ứng phó dài hạn với biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho rằng khí hậu đang thay đổi nhanh chóng. Thập kỷ qua là thập kỷ nóng nhất từng được ghi nhận, và nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Theo ông Taalas, trong bối cảnh thế giới khó có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và hạn chế sự tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, những hệ thống cảnh báo sớm về thời tiết và khí hậu dựa trên cơ sở khoa học là nền tảng cho các biện pháp thích ứng hiệu quả.

2021 – năm hành động

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ), ông António Guterres nhấn mạnh năm 2021 “phải là năm hành động”, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng nhau nỗ lực trước khi tập trung tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 tới.

“Các quốc gia cần đưa ra các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Các kế hoạch về khí hậu của những quốc gia này trong 10 năm tới phải hiệu quả hơn nhiều”, Tổng Thư ký LHQ nói thêm.

Ông cũng kêu gọi hành động ngay lập tức để hỗ trợ các cam kết và kế hoạch về khí hậu và hầu hết các quốc gia giàu hơn đầu tư hàng nghìn tỉ đô la để phục hồi Covid-19 trong nước, đáp ứng Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và các khoản trợ cấp nhằm chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

“Các nước phát triển phải đi đầu trong việc loại bỏ dần than vào năm 2030 ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và năm 2040 ở các nước khác. Không nên xây dựng các nhà máy điện than mới”, ông Guterres khẳng định.

Minh Phương

Xem thêm

Liên kết