Nhôm là một nguyên liệu với sản lượng tiêu thụ lớn trên thế giới với khoảng 65 triệu tấn năm 2019. Trong công nghiệp, nhôm được sản xuất từ quặng bauxite. Tuỳ thuộc vào loại quặng, cần khoảng 4-6 tấn bauxite để sản xuất 2 tấn alumina và điện phân được 1 tấn nhôm kim loại. Hiện nay, trữ lượng bauxite trên thế giới đủ để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng trong khoảng 230 năm nữa.
Việt Nam có trữ lượng quặng bauxite đứng thứ 3 trên thế giới (3,7 tỉ tấn), chỉ sau Guinea và Australia. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ dừng ở công đoạn khai thác bauxite, sản xuất alumina thông qua hai dự án thí điểm Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đắk Nông) với sản lượng còn thấp (1,3 triệu tấn/năm) so với quy mô về trữ lượng và chưa điện phân được nhôm kim loại.
Nhà máy alumin Tân Rai tại Lâm Đồng. |
Dự án Nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân được khởi công năm 2014 với tổng mức đầu tư khoảng 15.480 tỉ đồng, tương đương 688 triệu USD, do Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân sở hữu 100% vốn trong nước làm chủ đầu tư. Đây là nhà máy sản xuất nhôm đầu tiên ở nước ta, có diện tích 150ha, sử dụng công nghệ điện phân Prebake APXe. Theo Giấy chứng nhận đầu tư, Công ty luyện kim Trần Hồng Quân được miễn tiền thuê đất, sử dụng đất có hạ tầng trong suốt thời gian được giao và cho thuê đất; được miễn tiền thuê mặt nước để phục vụ giai đoạn thi công xây dựng và giai đoạn vận hành dự án. Ngoài ra, dự án còn được áp dụng giá điện là 1.052 đồng/kWh (tương đương 5,0 cent/kwh) trong 10 năm đầu kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động. Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỉ giá đồng/USD.
Theo tiến độ đề ra, cuối năm 2016, nhà máy này sẽ có mẻ nhôm đầu tiên với công suất 150 ngàn tấn nhôm/năm và năm 2019 sẽ hoàn thành xây dựng nhà máy giai đoạn 2 với công suất 450 ngàn tấn nhôm/năm. Tuy nhiên, đến hết năm 2019, dự án này vẫn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng cơ bản ở giai đoạn 1 và nhà máy điện phân nhôm chưa đi vào vận hành.
Dự án nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân tại Đắk Nông có ý nghĩa quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm từ nhà máy alumina Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng). Đồng thời, tạo ra sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nhôm và công nghệ phụ trợ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, sản xuất nhôm kim loại chưa phải là lợi thế của Việt Nam do đặc thù ngành này sử dụng nhiều điện và giá điện ở nước ta tương đối cao. Giá điện là yếu tố quan trọng quyết định tính hiệu quả trong hoạt động của dự án điện phân nhôm. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng khi giá điện thấp hơn 8cent/kWh thì sản xuất nhôm kim loại ở nước ta mới tạo ra hiệu quả kinh tế để xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Dự án nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân tại Đắk Nông. |
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của dự án điện phân nhôm bằng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích. Phương pháp phân tích chi phí - lợi ích là phương pháp được sử dụng phổ biến trong đánh giá hiệu quả kinh tế của các dự án phát triển. Kết quả phân tích chi phí - lợi ích cho biết khả năng đem lại hiệu quả kinh tế của dự án và chỉ ra các vấn đề cần quan tâm khi thực hiện một dự án đầu tư.
Phương pháp và số liệu
Phương pháp phân tích chi phí - lợi ích
Các chỉ tiêu tính toán:
(i) Tỉ lệ chiết khấu: Tỉ lệ chiết khấu đặc trưng cho khả năng giảm giá trị đồng tiền những năm tiếp theo so với năm hiện tại được chọn. Thường ước tính ban đầu của tỉ lệ chiết khấu có thể theo lãi suất mà các ngân hàng cho vay với loại dự án đang được xem xét.
(ii) Giá trị hiện tại ròng: Là giá trị lợi ích ròng hiện tại khi chiết khấu các dòng chi phí và lợi ích trở về năm bắt đầu thực hiện dự án (năm 0), được xác định theo công thức:
Trong đó: C0: chi phí đầu tư ban đầu; Bt : lợi ích năm thứ t (tính từ thời điểm hiện tại); Ct : chi phí năm thứ t; r: tỉ lệ chiết khấu; n: tuổi thọ của dự án.
(iii) Chỉ số hoàn vốn nội bộ IRR: là tỉ lệ chiết khấu làm cho giá trị hiện tại của lợi ích và chi phí bằng nhau. IRR được tính từ biểu thức NPV = 0.
(iv) Tỉ số lợi ích - chi phí: là tỉ lệ của tổng giá trị hiện tại của lợi ích so với tổng giá trị hiện tại của chi phí. Nếu tỉ số này lớn hơn 1 chứng tỏ dự án đem lại hiệu quả.
Phương án tính toán và dữ liệu đầu vào
Hai chủ thể được xác định và đưa vào tính toán đó là: (1) Nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân và (2) Tổ hợp giả định bauxite - alumina - nhôm Tây Nguyên. Trong đó, hoạt động khai thác, chế biến bauxite ở Tây Nguyên được đánh giá tổng thể từ công đoạn khai thác bauxite, sản xuất alumina và điện phân nhôm trên cơ sở dữ liệu từ tổ hợp bauxite - alumina Nhân Cơ và dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân. Giả thiết đặt ra là các hoạt động trên được thực hiện bởi cùng một chủ đầu tư, trong cùng một tổ hợp có tên gọi là “Tổ hợp bauxite - alumina - nhôm Tây Nguyên”.
Nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân: Năm 2019 được chọn làm gốc thời gian (i=0), thời gian hoạt động 30 năm (2020-2049). Nhà máy vận hành 67% công suất thiết kế trong 5 năm đầu (tương đương 300.000 tấn/năm) và 100% công suất thiết kế (450.000 tấn/năm) từ năm thứ 6.
VIASEE kiến nghị Thủ tướng phát triển ngành công nghiệp Nhôm |
Tổ hợp bauxite – alumina – nhôm Tây Nguyên có cùng gốc thời gian và tuổi thọ dự án giống với nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân. Tổ hợp có công suất 650.000 tấn alumina/năm và 450.000 tấn nhôm/năm, đầu tư xây dựng cơ bản trong 2 năm (2018-2019) và vận hành 100% công suất thiết kế ngay từ năm thứ nhất.
Các chi phí và lợi ích được lượng hoá và quy các giá trị về cùng một đơn vị là triệu Việt Nam đồng. Giả định sản phẩm từ các nhà máy được sản xuất ra năm nào tiêu thụ hết năm đó, không có hàng tồn kho và các chi phí hàng năm được sử dụng hết.
Tỉ lệ chiết khấu được lựa chọn phải phản ánh đầy đủ ý nghĩa của tỉ lệ chiết khấu, có tính đến khả năng sinh lời, các yếu tố lạm phát và rủi ro trong đầu tư. Bài tính sử dụng lãi suất vay vốn mà các doanh nghiệp trong ngành phải chịu đối với vốn vay trong nước, tương đương 10%.
(Còn nữa)
Bài tiếp: Giải mã sự biến động giá nhôm kim loại