Theo đó, cục này cho rằng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển điện mặt trời, phù hợp với thị trường mới như ở Việt Nam.
Tuy nhiên, chính sách giá FIT có một số hạn chế như các dự án tập trung phát triển tại khu vực có tiềm năng bức xạ mặt trời tốt dẫn đến quá tải lưới điện tại một số khu vực, ảnh hưởng đến ổn định lưới điện, gia tăng cạnh tranh về đất đai.
Bên cạnh đó, cơ chế quyết định giá có hạn chế trong kiểm soát quy mô cùng với kế hoạch phát triển nguồn và hệ thống. Đồng thời, mức giá mua bán điện mặt trời khó có thể phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi giá công nghệ của thị trường.
Theo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, trong ba năm qua lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tổng công suất lắp đặt tăng nhanh, thị trường sản xuất thiết bị, cung cấp dịch vụ mở rộng.
Vì vậy, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho rằng chính sách và quy định về phát triển điện mặt trời cần được xem xét, nghiên cứu điều chỉnh hướng tới tiệm cận thị trường cạnh tranh, đồng thời đảm bảo tăng cường hiệu quả quản lý, đầu tư và vận hành hệ thống ổn định, chất lượng.
Sau ngày 31/12/2020, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực và đến nay chưa có Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công Thương, chính vì vậy, thời điểm này, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời áp mái đang "ngóng" cơ chế giá mới để đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, thời điểm này, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ cho cơ chế áp dụng thí điểm đối với các dự án điện mặt trời sau năm 2020. Hiện nay, giá thành các tấm quang điện mặt trời đã "hạ nhiệt", cho nên, sau ngày 31/12/2020, Bộ Công Thương sẽ đề xuất giảm giá mua điện mặt trời áp mái.
Trước đó, ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định: "Sẽ không có giá FiT cho điện mặt trời sau năm 2020".
Còn về điều chỉnh giá FiT cho điện gió, ông Hùng cho hay, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ và lấy ý kiến các bộ ngành về việc kéo dài giá FIT cho điện gió, giá điều chỉnh có thể sẽ giảm xuống cho phù hợp với thực tế. Đặc biệt, sau năm 2020, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo tính khách quan minh bạch.
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, phát triển điện mặt trời áp mái sẽ giúp giải toả phần nào cung ứng điện căng thẳng tới đây. Tuy nhiên, hiện nay chưa có giá mới mua điện nên người dân vẫn đang trông chờ. Chính vì thế, điều ông cũng như nhiều nhà đầu tư điện mặt trời áp mái, khách hàng lắp đặt loại năng lượng này mong muốn lúc này là “cấp có thẩm quyền sớm chốt chính sách giá ổn định để nhà đầu tư yên tâm phát triển, đầu tư”. Ngoài ra, vấn đề về truyền tải cũng cần sớm có phương án để giải quyết.
Bà Tô Lan Phương - Trưởng Ban kinh doanh - Tổng Công ty Điện lực TP.Hà Nội cho biết, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái sẽ giảm sự lệ thuộc vào hệ thống năng lượng hiện phổ thông như lưới điện quốc gia đồng thời góp phần giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ gây sự cố gián đoạn cung cấp điện.
Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019. Sau gần 2 năm ngành điện mặt trời bùng nổ cho đến nay mô hình này đang chững lại khi chưa có giá mua điện mới.
Theo số liệu cập nhật, đến ngày 25/12/2020 đã có 83.000 công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp.
Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ điện mặt trời mái nhà lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,13 tỉ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. EVN cam kết sẽ luôn hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.