Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (xét triển vọng đến năm 2030), đến năm 2020 tổng công suất nguồn điện quốc gia cần đạt 60.000 MW, tới năm 2025 là 96.000 MW và năm 2030 là 130.000 MW.
Do đó, trong quy hoạch đã xác định việc ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời, sẽ nâng công suất đặt từ 6-7 MW năm 2017 lên 850 MW vào năm 2020 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030, tương đương với 1,6% và 3,3% tổng công suất của cả nguồn điện.
Ồ ạt lắp đặt, công suất ĐMT áp mái tăng vọt
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để sản xuất 1 MW điện năng lượng mặt trời, phải cần tới 1ha đất triển khai dự án. Vì vậy, ĐMT áp mái đang được nhiều doanh nghiệp triển khai rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân.
Nhiều hệ thống ĐMT mái nhà được EVN ký hợp đồng mua bán và đấu nối vào lưới điện trong thời gian qua. (Ảnh minh họa) |
Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tính tới ngày 31/7, cả nước có 42.694 hệ thống ĐMT áp mái được phát triển, với công suất 917 MWp. Cũng trong 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện mà các hệ thống này đã phát lên lưới là hơn 300 triệu kWh.
So với con số 377,9 MWp được lắp đặt trước ngày 31/12/2019, dễ nhận thấy trong 7 tháng qua. đã có sự gia tăng chóng mặt ở lĩnh vực ĐMT áp mái. Ngoài các hộ gia đình lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái trên nóc nhà để tự dùng, lĩnh vực ĐMT áp mái cũng có sự tham gia của các nhà đầu tư với nguồn gốc khá đa dạng.
Tại miền Nam, số liệu Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho thấy, hiện có 2.532 khách hàng đăng ký đấu nối nhưng chưa vận hành thương mại với tổng công suất hơn 1.496 MWp. Trong đó có 240 dự án với tổng công suất 229 MWp vượt khả năng giải tỏa công suất, tập trung chủ yếu ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh.
Tính đến ngày 23/8, cả nước đã có trên 45.490 dự án ĐMT (ĐMT) mái nhà được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký hợp đồng mua bán và đấu nối vào lưới điện.
EVN ước tính rằng, chỉ cần khoảng 2 triệu nóc nhà ở Việt Nam lắp ĐMT, với công suất 10 KW mỗi mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng 16 triệu tấn than mỗi năm do dùng nhiệt điện than. Chưa kể lợi ích kinh tế trực tiếp cho người lắp.
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 1.027 MW là tổng công suất ĐMT (ĐMT) mái nhà mà Việt Nam đã đạt được trong năm nay trên cả nước, tính đến hết ngày 18/8/2020. Con số này đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019 và gấp 57 lần so với năm 2018. |
Nhà đầu tư "núp bóng" ĐMT mái nhà để kiếm lời
Mới đây, Chính phủ đã có Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam; mức giá mua bán điện 8,38 Uscent/kWh (tương đương 1.943 đồng/kWh) được kỳ vọng sẽ tạo đà cho ĐMT mái nhà phát triển.
Trong khi mục tiêu phát triển ĐMT áp mái ở thế giới là giảm áp lực cấp điện ngay tại chỗ và khu vực hẹp xung quanh, mà không phải đầu tư thêm nhiều vào đường truyền tải điện hiện có, thì ĐMT áp mái tại Việt Nam đã xuất hiện các dấu hiệu bị lợi dụng để hưởng lợi.
Trước cơn sốt ĐMT áp mái, nhiều nhà đầu tư cũng đã thuê mái nhà/trang trại của nhiều hộ dân để đầu tư các dự án ĐMT. Thậm chí, có nhà đầu tư đề xuất làm trang trại nông nghiệp nhưng mục đích chính lại là lắp ĐMT để bán điện cho EVN nhằm kiếm lời.
Một công trình ĐMT mái nhà tại Bà Rịa - Vũng Tàu. (Nguồn: EVN) |
Một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho biết, thực tế có những trang trại ĐMT nông nghiệp đi thuê đất nông nghiệp bỏ hoang để phát triển các cụm dự án với tổng công suất vài MW, thậm chí hơn chục MW, sau đó "xé lẻ" từng dự án nhỏ dưới 1 MW.
Việc làm này nhằm né quy định không làm thủ tục bổ sung quy hoạch với các dự án công suất dưới 1 MW và để hưởng giá bán ưu đãi với ĐMT mái nhà - 8,38 Uscent/kWh (khoảng 1.943 đồng). Trong khi nếu đây là các dự án ĐMT mặt đất hoặc nổi thì giá ưu đãi thấp hơn nhiều, lần lượt là 7,09 Uscent/kWh (1.644 đồng) và 7,69 Uscent/kWh (1.783 đồng).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu thực trạng không ít dự án ĐMT có tấm pin lắp đặt trên hệ thống khung giá đỡ nằm trên đất (không có mái), công suất dưới 1 MW đấu nối vào lưới điện từ 35 KV trở xuống - cấp điện áp cho phép đấu nối với ĐMT mái nhà. Hoặc, dự án ĐMT đấu nối vào cấp điện áp này chỉ lắp đặt các tấm pin phần nhỏ trên mái nhà, phần lớn còn lại lắp trên đất của khách hàng sử dụng điện.
Đại diện EVN cũng thừa nhận, vướng mắc lớn hiện nay là định nghĩa về công trình xây dựng và cơ sở để xác định là loại hình ĐMT mái nhà. Trường hợp các công trình xây dựng dân dụng, nhà xưởng đã có sẵn như: Trụ sở, nhà máy, trường học… thì bảo đảm quy định ở QĐ 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam (gọi tắt là Quyết định 13). Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều dự án ĐMT xấp xỉ 1 MW thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp, cơ sở để xác định có phải là ĐMT mái nhà thiếu rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng.
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự sẵn sàng bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn nên dẫn đến tâm lý lo ngại, chần chừ. Và vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ đặc biệt liên quan đến chính sách, tài chính và sáng kiến giải pháp để thúc đẩy phát triển ĐMT mái nhà tương xứng với tiềm năng.
Theo Điều 3, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg: Hệ thống ĐMT mái nhà là hệ thống ĐMT có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của bên mua điện. |