Quá trình đô thị hóa cùng với việc tăng trưởng kinh tế và dân số một cách nhanh chóng đang tạo ra lượng chất thải ngày một tăng cao với khối lượng phát sinh chất thải ở Việt Nam tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua, tạo gánh nặng cho xã hội. Nhiều tỉnh trong cả nước, rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý, bãi rác quá tải, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh gây ô nhiễm môi trường. Trong chiến lược quốc gia về chất thải rắn đã được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam cam kết tiến tới thu gom, vận chuyển và xử lý 100 % chất thải ngoài hộ gia đình vào năm 2025 và 85 % chất thải từ các hộ gia đình vào năm 2025 ở các khu vực đô thị.
Lượng rác thải sinh hoạt lớn
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh ở Việt Nam hiện nay khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó CTR sinh hoạt đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày và CTR sinh hoạt nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày. CTR sinh hoạt ở các đô thị chiếm hơn 50 % tổng lượng CTR sinh hoạt của cả nước và chiếm khoảng 60-70 % tổng lượng CTR đô thị. Dân số tăng nhanh, kết hợp với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến sự gia tăng phát sinh chất thải. Ước tính, lượng CTR sinh hoạt ở các đô thị tăng trung bình 10-16 % mỗi năm.
Trước tình hình đó, hoạt động thu gom rác thải ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉ lệ thu gom CTR sinh hoạt đô thị đã tăng từ 78 % năm 2008 lên khoảng 85,5 % năm 2018. Dịch vụ thu gom đã được mở rộng tới các đô thị loại V. Tỉ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40-55 %. Tỉ lệ thu gom tại các vùng nông thôn ven đô hoặc thị trấn, thị tứ đạt khoảng 60-80 %, còn tại một số nơi vùng sâu, vùng xa chỉ đạt dưới 10 %. Nhiều địa phương đã có mô hình xử lý rác thải hiệu quả như: Nghệ An, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Cần Thơ, điển hình tại Đồng Nai lệ chôn lấp chỉ còn 43 %.
Tuy nhiên, việc tái chế và xử lý rác thải sinh hoạt của nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế. Tỉ lệ tái chế CTR sinh hoạt hiện vẫn còn thấp (khoảng 8-12%) do khâu phân loại rác từ đầu nguồn của nước ta chưa phổ biến. Các CTR sinh hoạt thường bị trộn lẫn nhau gây khó khăn trong việc xử lý, tái chế. Việc phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất thải, góp phần giảm nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom, xử lý rác.
Khuyến khích phân loại rác thải từ nguồn
Ths Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), cho biết: Hiện nay, tình trạng xả rác ra môi trường rất đáng lo lắng. Hành động vứt rác chỉ chiếm 1 % trong tổng số hoạt động mỗi ngày của mọi người; nhưng để xử lý các loại rác này rất tốn kém, từ tiền trả nhân công, tiền vận chuyển, tiền xử lý đến tiền đất, tiền quản lý. Ngoài ra, nhiều người dân ỷ lại chỉ cần đóng một khoản tiền cố định cho nhà nước trong mỗi tháng và muốn xả rác bao nhiêu tùy thích, chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Trong khi đó, ở các nước phát triển, người dân rất ý thức trong việc phân loại rác tại nguồn và có quy định xả rác bao nhiêu thì phải trả tiền thu gom rác bấy nhiêu. Như tại Hàn Quốc, đất nước này đang làm rất tốt công tác phân loại rác tại nguồn nên việc xử lý rác ít tốn kém. Riêng thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã trở thành thành phố không rác.
Trước tình hình đó, nhiều mô hình thu gom, phân loại rác thải từ nguồn được xây dựng, góp phần tạo lập thói quen phân loại rác từ đầu, giảm chi phí xử lý rác, tăng hiệu quả hoạt động cho các nhà máy xử lý rác thải.
Ngày 1/4, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng cho biết, năm 2020, khối lượng rác tài nguyên được thu gom, tái chế trên địa bàn thành phố lên đến 200 tấn, nhiều nhất là tại quận Hải Châu với 121 tấn.
Trong năm 2021, thành phố phấn đấu đạt hơn 90 % số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở du lịch, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trường học được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn; bảo đảm Tỉ lệ rác tái sử dụng, tái chế đạt hơn 12 %.
Để thúc đẩy phong trào phân loại rác tại nguồn, đơn vị đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất lựa chọn 118 lô đất (có diện tích từ 60-103 m2 đất, ở ngã ba, ngã tư các tuyến đường) để xây dựng điểm tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu của các địa phương, tập kết rác tài nguyên và các thiết bị, sản phẩm phân loại rác tại nguồn.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp với các tổ chức, đơn vị triển khai các dự án về phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa tại Đà Nẵng như: Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) thực hiện dự án “Đô thị giảm nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê”; UNDP hỗ trợ triển khai mô hình tổ nòng cốt quản lý rác thải tại các khu dân cư ở một số phường, xã của quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang.
Hình thành thói quen tốt
Nhiều năm nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh mới chỉ thực hiện thu gom các loại rác thải sinh hoạt rồi xử lý theo phương thức chôn lấp và đốt bằng lò công suất nhỏ. Vì vậy các bãi chôn lấp, lò đốt rác đều bị quá tải trong điều kiện lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày một tăng cao.
Một trong những bài học sau sự thất bại của các dự án xử lý rác trước đây nằm ở chỗ không xác định rõ tầm quan trọng của chủ nguồn thải; trong đó là người dân. Họ không thực sự trở thành một chủ thể thực sự thúc đẩy tiến độ các dự án. Vậy, với chương trình PLRTN lần này, cần làm gì để người dân thực sự trở thành chủ thể.
Bà Nguyễn Thị Thùy Ninh, Phó phòng Kinh doanh - Truyền thông của Urenco cho biết, người dân là một trong số các chủ nguồn thải nên được xác định là đối tượng chính để tập trung truyển tải thông tin và tuyên truyền hướng dẫn. Cách thức tiếp cập và đặt vấn đề khi tuyên truyền hướng dẫn cũng sẽ khác so với các tiếp cận với các chủ nguồn thải khác. Điều cần thiết là phải cho họ thấy được tầm quan trọng của việc thực hiện phân loại rác, vai trò, trách nhiệm của họ với hoạt động này.
Theo bà Ninh, để khuyến khích người dân, cần công khai đường đi của rác sau khi được phân loại để họ biết công sức họ bỏ ra thì thành quả cuối cùng là gì. Đồng thời, hướng dẫn chi tiết, cụ thể cách thức phân loại và thu gom; trang bị công cụ, dụng cụ thực hiện phân loại và lưu chứa cho người dân; triển khai nhiều phương thức thu gom ở nhiều khung giờ thuận tiện để người dân dễ dàng tham gia. “Ngoài tạo điều kiện để khuyến khích thì cũng cần có thêm chế tài xử lý nếu người dân không tham gia hoặc không làm đúng”, bà Ninh lưu ý.
Đánh giá phân loại rác là hoạt động mang tính chất xã hội, phải kiên trì dài lâu mới mong có kết quả như kỳ vọng, bà Ninh cho rằng, kế hoạch truyền thông cũng phải phân kỳ giai đoạn, mỗi giai đoạn cần đề ra mục tiêu cụ thể từ cung cấp thông tin để người dân được biết, nâng cao nhận thức cho đến thay đổi hành vi, hành động và hình thành thói quen.
Phải để cho người dân tự bán rác thải, mới có động lực để phân loại. Nếu người dân không được bán mà lại trả tiền thu gom, xử lý thì rất dễ dẫn đến tình trạng vứt bừa bãi, không chịu phân loại. Nếu được trả tiền, dù không đáng bao nhiêu nhưng người dân có ý thức phân loại, gom sạch sẽ. Đơn vị thu gom phải đi mua và nhà máy mua lại của đơn vị thu gom vận chuyển, Nhà nước có thể hỗ trợ các sản phẩm được tái chế qua chính sách như thuế.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Có thể thấy, việc triển khai Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã đem lại nhiều lợi ích đối với người dân và nhà máy xử lý rác thải. Nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, giúp giảm tối đa lượng rác chôn lấp trực tiếp nên hạn chế nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường như ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt, chất lượng đất.
Tạo cảnh quan môi trường đô thị xanh sạch đẹp. Phân loại rác tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào nhà máy xử lý rác sạch hơn, đảm bảo chất chất lượng phân tốt hơn (mịn và nhiều chất dinh dưỡng) do rác không bị lẫn nhiều, đồng thời giảm số lượng nhân công phân loại rác thủ công và chi phí phát sinh. Rác thải vô cơ sau phân loại có thể tái chế, tái sử dụng sẽ tạo nguồn thu, cùng với nguồn thu từ sản xuất phân vi sinh sẽ hỗ trợ một phần cho hoạt động của nhà máy cũng như giảm gánh nặng ngân sách để đầu tư cho xử lý rác thải.