Tình trạng phổ biến ở nhiều đô thị lớn
Nghiên cứu tại Singapore và Mỹ cho thấy thành phố có nhiều cây xanh có thể giảm nhiệt độ ngoài trời khoảng 4 độ C (giảm "hiệu ứng đảo nhiệt đô thị"), giảm chi phí năng lượng khoảng 12%, giảm độ bụi 13%, tăng các giao dịch thương mại thêm 12% và giá trị đất đai tăng 23%.
Cây xanh còn có vai trò rất lớn trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, các cây xanh đô thị Việt Nam ngày càng thiếu vắng nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng hay các công trình giao thông hiện đại.
Theo báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM, quy hoạch công viên cây xanh toàn TP là gần 11.500 ha nhưng hiện nay, số lượng thực tế chỉ hơn 510 ha. Mỗi năm, nhiều khu dân cư được xây dựng mới nhưng diện tích công viên cây xanh chỉ tăng hơn 1,5 ha. Nhu cầu cần thiết so với thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa.
"Những năm qua, nhiều khu quy hoạch đất dành cho công viên đã bị người dân chiếm dụng xây nhà ở hoặc chi phí đền bù chưa được thỏa thuận. Nhiều nơi do nhu cầu cấp thiết nên điều chỉnh làm đất thương mại, khu dân cư…" - Sở Xây dựng nêu thực trạng.
Ngoài ra, tình trạng nhiều công viên bị "bóp" diện tích để phục vụ mục đích kinh tế khiến mảng xanh vốn đã ít lại giảm bớt hơn. Nhiều quận - huyện có diện tích lớn, dân cư đông nhưng đến nay vẫn chưa có công viên đàng hoàng, như quận 9 (cũ), quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh...
Không chỉ riêng TP.HCM, TP.Đà Nẵng hiện cũng được xem là đô thị thiếu trầm trọng mảng xanh. Cả khu vực trung tâm TP chỉ có 2 công viên, nhiều tuyến đường không có bóng dáng cây xanh.
Vào mùa nắng nóng, người dân lưu thông trên nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP.Đà Nẵng không khỏi khó chịu vì đường phố thiếu cây xanh. Các tuyến đường Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh… chỉ toàn bê-tông mà rất ít cây xanh. Đường Trần Cao Vân trước có nhiều cây nhưng gần đây do mở rộng đường, cây xanh cũng không còn nữa.
Khu vực trung tâm TP.Đà Nẵng hiện chỉ có 2 khu công viên trồng nhiều cây xanh là Công viên 29 Tháng 3 (quận Thanh Khê) khoảng 10 ha và Công viên Thanh Niên (quận Hải Châu) khoảng 6-7 ha. Một số khu dân cư, khu đô thị thì có các khoảng sân nhỏ song diện tích không đáng kể.
"Một phần nguyên nhân của tình trạng trên do thời gian dài trước đây, chúng ta chưa chú trọng đến việc phát triển không gian xanh trong quy hoạch phát triển đô thị, nhất là tầm nhìn trong việc phát triển một đô thị hiện đại và bền vững. Nếu muốn gia tăng diện tích cây xanh, không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu quy hoạch mà phải có sự quyết tâm của thành phố trong việc chỉnh trang lại đô thị hiện hữu.
Đặc biệt, cần có những chính sách cứng rắn trong phê duyệt, thực hiện quy hoạch nhằm tránh tình trạng nhiều dự án diện tích đất dành cho công viên nhưng lại bị bỏ hoang, không xây dựng hoặc chuyển đổi đất công viên thành loại đất khác."
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, năm 2010, diện tích cây xanh đô thị của TP chỉ đạt hơn 5 m2/người. Năm 2015, con số này là 7,32 m2/người. Năm 2019, Đà Nẵng có hơn 1,134 triệu dân nhưng chỉ số cây xanh chỉ ở mức 7,51 m2/người. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị là 8,9 m2/người.
TP.Hà Nội mở rộng diện tích lên đến hơn 3.345 km2, dân số gần 7 triệu người, là một trong 17 TP lớn nhất trên thế giới. Khu vực phát triển tính từ Vành đai 2 trở ra là những khu đô thị mới, đường phố mới rộng vài chục mét với hàng trăm tòa nhà cao hàng chục tầng. Thế nhưng, chính những nơi được coi là phát triển hiện đại này lại rất thiếu cây xanh, mặt nước, công viên, không gian công cộng…
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết ngay trong lòng thủ đô Hà Nội, khi hàng loạt khu chung cư, nhà ở cao tầng mọc lên thì diện tích đất dành cho cây xanh hầu như chỉ có trên bản vẽ.
Hiện nay, tỉ lệ cây xanh tính theo đầu người ở nội đô Hà Nội chưa đến 2 m2. Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉ lệ cây xanh trung bình cũng mới đạt 10-15 m2/người (tiêu chuẩn mà Liên Hiệp Quốc đề ra là 39 m2/người).
Tăng diện tích cây xanh là điều cấp thiết
Tại hội thảo khoa học do Hiệp hội Cây xanh - Công viên Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã cảnh báo sự thiếu hụt diện tích cây xanh ở nhiều đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... đã và đang gây hậu quả ngày càng xấu đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng cao, hiệu ứng nhà kính, hiệu ứng bê-tông và biến đổi khí hậu đang diễn ra rất phức tạp.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhìn nhận: Nếu tính tỉ lệ diện tích công viên so với đầu người là thiếu hụt nghiêm trọng. Khi thiếu cây xanh thì không khí sẽ không còn bảo đảm trong lành, đời sống người dân kém chất lượng. Vì vậy, gia tăng diện tích công viên là điều cấp thiết.
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho biết: "Trong nguyên tắc phát triển đô thị, chỉ xây dựng 40%, còn 60% là cây xanh, hồ điều hòa, mặt nước… để bảo đảm môi trường sinh học cho người dân khu vực".
Theo ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, trong điều chỉnh quy hoạch mới, TP sẽ tổ chức một hệ thống không gian xanh và mặt nước; định hướng, phân loại, kết nối thông qua một mạng lưới hành lang tuyến tính để tạo thành một cấu trúc xanh liên tục trên khắp TP, kết nối các ngọn núi phía Tây và bờ biển phía Đông Đà Nẵng.
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư TP.Hà Nội, thủ đô Hà Nội đang đứng trước một giai đoạn phát triển về chất chứ không phải theo số lượng. Bởi vậy, không có lý do gì chúng ta không quan tâm nhiều hơn đến phát triển không gian công cộng, để chứng minh rằng chúng ta dù không phải TP giàu nhất nhưng là TP vì con người nhiều nhất.
Rừng cũng đang thưa vắng đại thụ
Theo Bộ NN&PTNT, tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép còn xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương. Mặc dù, diện tích rừng và tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc có tăng, tuy nhiên trong vòng 15 năm qua, rừng phòng hộ cả nước đã mất 0,6 triệu ha; riêng giai đoạn 2006 - 2015 diện tích rừng phòng hộ giảm từ 5,2 triệu ha xuống còn 4,4 triệu ha và giai đoạn 2015 đến nay diện tích rừng phòng hộ tương đối ổn định ở mức 4,6 triệu ha, cần tiếp tục được trồng bổ sung, phục hồi nâng cao chức năng phòng hộ môi trường.
Diện tích rừng tuy có tăng, nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của một số trạng thái rừng tự nhiên còn bị giảm hoặc tăng chậm. Chất lượng rừng tự nhiên thấp. Theo kết quả điều tra, kiểm kê rừng năm 2016 cho thấy chỉ có 8,75% diện tích rừng tự nhiên là rừng giàu, còn lại là rừng trung bình 24,79%, rừng nghèo 53,45% và rừng nghèo kiệt phục hồi 13,01%...