EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường quốc tế. |
Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam - từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Chia sẻ về thành công này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, việc thông qua EVFTA và EVIPA là các quyết định hết sức quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), mở ra chân trời hợp tác ngày càng sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn giữa hai bên sau đúng 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1990 – 2020).
Được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực khi được Quốc hội Việt Nam và EP phê chuẩn, trong khi Hiệp định EVIPA cần được Quốc hội Việt Nam, EP và Nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn. Quyết định của EP đã 'bật đèn xanh' cho việc thực thi hiệp định EVFTA và tạo tiền đề để các Nghị viện quốc gia thành viên EU xem xét, phê chuẩn EVIPA thời gian tới.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao gặp Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan. |
"Quyết định phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao của của các nghị sỹ và các quốc gia thành viên EUvề vai trò, vị thế của Việt Nam và quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Hai Hiệp định sẽ tạo dựng các khuôn khổ hợp tác song phương lâu dài theo hướng đối tác bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp vào với xu thế chung về thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và phát triển bền vững", thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Theo ông Sơn, việc phê chuẩn các Hiệp định cũng khẳng định chính sách của EU tiếp tục tăng cường gắn kết với Châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng. Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẵn sàng phối hợp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa EU và ASEAN.
Bên cạnh đó, việc EP bỏ phiếu thuận phê chuẩn hai Hiệp định ngay đầu nhiệm kỳ mới cũng cho thấy lợi ích kinh tế to lớn mà EVFTA và EVIPA mang lại cho cả hai bên. EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, và thị trường ASEAN, khu vực. GDP của EU dự kiến sẽ tăng thêm 30 tỷ USD và xuất khẩu tăng thêm 29% vào năm 2035.
Đối với Việt Nam, EU là thị trường lớn thứ hai cho hàng xuất khẩu Việt Nam; việc thực hiện EVFTA dự kiến sẽ giúp GDP của ta tăng 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng gần 42,7% vào năm 2025. Do vậy, quyết định của EP đã nhận được sự hoan nghênh rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Sự ủng hộ của EP sẽ tạo thêm niềm tin và củng cố xu thế liên kết kinh tế quốc tế và thương mại mở và tự do trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang đe dọa tăng trưởng của kinh tế thế giới, của nhiều khu vực và quốc gia.
"Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ tạo động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và EU, tương xứng với kỳ vọng và tiềm năng của hai bên", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước hết sức phức tạp, Hiệp định EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp chúng ta đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác, tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường rất lớn EU. Người dân Việt Nam cũng tiếp cận với hàng hóa, thiết bị mà Việt Nam không có.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỉ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035. |
Nghị sỹ Nghị viện châu Âu (EP) Geert Bourgeois - người báo cáo viên Ủy ban Thương mại quốc tế về EVFTA và EVIPA nhấn mạnh rằng đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới "đầy đủ nhất và tham vọng nhất" mà lần đầu tiên Liên minh châu Âu (EU) ký kết với một nước đang phát triển. Mô hình này dựa trên các cuộc đàm phán giữa các đối tác bình đẳng, cùng có chung mục tiêu và các giá trị chung, nhằm khuyến khích phát triển kinh tế và tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, chống đói nghèo và đẩy mạnh cải cách thể chế. Có thể nói, hiệp định là một bước quan trọng để EU tiến đến mục tiêu cuối cùng là thiết lập khu vực thương mại tự do giữa EU và ASEAN.
Theo ông Bourgeois, cùng với các hiệp định tương tự đã ký kết với Nhật Bản và Singapore, EVFTA sẽ có ý nghĩa thắt chặt liên kết giữa EU và châu Á trong bối cảnh các quan hệ thương mại đa phương dựa trên các nguyên tắc đang bị lung lay.
Ngay sau khi có hiệu lực, EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư, mang lại lợi ích cho cả hai phía EU và Việt Nam. Dự kiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và chiều ngược lại sẽ tăng thêm hàng chục tỉ euro.
Hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết sẽ xoá bỏ gần như 100% các dòng thuế. |
Ngoài ra, đại diện Cao ủy Thương mại EU cũng kỳ vọng: Hiệp định này sẽ đóng góp vào sự hội nhập của khu vực giữa bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang gia tăng trên thế giới.Về phía EU, bà Cecilia Malmström, Cao ủy Thương mại EU cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do vừa được ký kết đã thể hiện sự hợp tác lâu bền giữa 2 bên: "Hiệp định gần như sẽ xóa bỏ 100% các dòng thuế. Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm công. Doanh nghiệp EU sẽ cung cấp các thiết bị hạ tầng, công nghệ xanh cho Việt Nam, đi đôi với phát triển bền vững".
Trả lời báo chí sau thành công của lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết: "Cao tốc Việt Nam – EU" đã được mở ra, vấn đề còn lại là chúng ta sẽ chạy trên đó bằng phương tiện gì, theo cách nào'.
Cũng theo ông Tuấn Anh, quy trình pháp lý của Việt Nam và EU để đưa hiệp định vào thực thi đang đi đến giai đoạn cuối. EU chỉ còn một bước pháp lý cuối là thông qua Hội đồng châu Âu và ban hành. Và từ giờ cho tới lúc đó, tức là trước kỳ họp Quốc hội tháng 4, tháng 5 tới, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường, sớm triển khai ngay việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa, hình thành ngay chuỗi cung ứng với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác trong EU.