Cụ thể, FPT bị tố khai thác hàng nghìn nội dung miễn phí trên kênh YouTube POPS Kids và App của POPS để chiếu trên hệ thống truyền hình trả tiền trên nền tảng đầu thu FPT, thu lời bất chính. Cũng theo POPS, ngày 9/5 hai bên đã gặp nhau, phía FPT thừa nhận sai phạm quyền sở hữu trí tuệ của POPS.
Nội dung thuộc POPS chiếu trên hệ thống truyền hình FPT đã bị thay logo |
Cả hai đã đi đến thỏa thuận FPT chấm dứt hành vi xâm phạm và tháo gỡ tất cả các nội dung của POPS và đối tác trên truyền hình FPT trong vòng 24 tiếng. FPT phải trao trả chi phí nội dung mà POPS đã chi để sản xuất, mua bản quyền, chi phí về quyền sở hữu trí tuệ cho tất cả các nội dung bị FPT xâm phạm, cùng toàn bộ doanh thu mà FPT thu được từ việc kinh doanh trái phép các nội dung của POPS và đối tác.
Đại diện FPT cần phải đưa ra phương án giải quyết muộn nhất vào ngày 16/5, tuy nhiên đến ngày 24/5 công ty vẫn chưa phản hồi cho POPS. Được biết, ngày 20/5 FPT đã ủy quyền bên thứ ba để gửi đến POPS công văn yêu cầu hợp tác nhưng không nhắc đến việc giải quyết hành vi xâm phạm.
Không chỉ phát các nội dung thuộc sở hữu của POPS mà FPT còn xóa logo “POPS Kids”, “POPS Baby”, “POPS UP” và thay bằng logo FPT. Trong khi nội dung của POPS được phát miễn phí trên YouTube thì người dùng lại phải trả cho FPT một khoản tiền mỗi tháng.