Những năm qua, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường không nhỏ, thậm chí tăng dần theo từng năm. Đặc biệt là kể từ năm 2019, dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực. Trong đó, có thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít).
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng có ảnh hưởng đến môi trường như: Than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, túi nylon, các loại thuốc khử trùng thuộc loại hạn chế sử dụng.
Từ khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường (năm 2012), tổng số thu từ sắc thuế này liên tục tăng, tăng gấp 6 lần từ hơn 11.000 tỉ đồng năm 2012 lên gần 69.000 tỉ đồng dự thu trong năm 2019, trong đó xăng dầu đóng góp đến hơn 90%.
Chính vì vậy, dư luận đặt câu hỏi là số tiền thuế hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm thu về đó được chi như thế nào cho việc bảo vệ môi trường, đặc biệt trong bối cảnh người dân ngày càng lo ngại về chất lượng môi trường hiện nay?
Tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ngày càng nghiêm trọng. |
Từng trao đổi vẫn đề này với báo Tuổi trẻ, đại diện Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo Luật Ngân sách nhà nước, các khoản thu từ thuế, phí… được thu vào ngân sách và sẽ chi theo dự toán được Quốc hội.
Điều đó có nghĩa là "không phải thuế bảo vệ môi trường thu được 1 đồng thì sẽ chi 1 đồng" mà hàng năm, căn cứ vào tình hình ngân sách, Quốc hội sẽ phê duyệt dự toán thu chi ngân sách.
Ngân sách của nhà nước được chia làm ba phần: chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi trả nợ.
Như vậy, phần thu được từ thuế bảo vệ môi trường sẽ nộp vào ngân sách, và từ đó Quốc hội sẽ cân đối và duyệt chi cho ba khoản trên.
Riêng về các khoản chi cho mục đích bảo vệ môi trường, theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 -2016 là khoảng 131.857 tỉ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỉ đồng/năm.
Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã tăng lên kịch khung là 4.000 đồng/lít. |
Trong số đó, tổng số chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường khoảng 89.131 tỉ đồng, gồm chi thường xuyên bố trí trực tiếp là khoảng 52.420 tỉ đồng và phần chi thực hiện các chính sách quản lý sử dụng đất trồng lúa, phát triển rừng, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản, duy tu đê điều, khuyến nông, công ích thủy nông... khoảng 36.711 tỉ đồng.
Theo báo Tiền Phong, phản hồi về vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay, xăng, dầu thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2012.
Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể theo các nguyên tắc đã được xác định tại Luật. Mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đối với xăng là 4.000 đồng/lít xăng.
“Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, các khoản thu từ thuế, phí và các khoản thu khác trong đó có thuế bảo vệ môi trường được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước (NSNN). Đây không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp. Việc quản lý, sử dụng khoản thu này được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và được Quốc hội phê duyệt hàng năm”, Bộ Tài chính khẳng định.