Hàng loạt tồn tại, vi phạm tại Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) vừa chỉ ra hàng loạt tồn tại, vi phạm của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai liên quan đến chấp hành pháp luật về khoáng sản.
Kỳ 2: Công nghệ sản xuất Alumin và các vấn đề cấp bách về môi trườngKỳ 1: Tiềm năng khoáng sản Bauxite Việt Nam'Chữa cháy' Condotel trên ngọn, hàng vạn nhà đầu tư vẫn hoang mang

Theo Kết luận Thanh tra số 3375/KLTTr-ĐCKS, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai (trụ sở tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), có 2 giấy phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác đá vôi và đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

Đó là mỏ đá vôi Hoàng Mai B, xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu (nay là phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) và xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) với diện tích 144,5ha; trữ lượng được phép khai thác trên 125 triệu tấn; công suất khai thác 1,8 triệu tấn/ năm; thời hạn khai thác là 50 năm và mỏ đá sét Quỳnh Vinh, xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu (nay là phường Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai) với diện tích gần 122ha; trữ lượng được phép khai thác trên 8 triệu tấn; công suất khai thác 348 nghìn tấn/ năm; thời hạn khai thác là 21 năm.

Qua thanh tra đối với mỏ đá vôi Hoàng Mai B, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản phát hiện Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai chưa hoàn thành việc xin cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Chưa hoàn thành việc điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản sau khi có sự thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản.

hang loat ton tai vi pham tai cong ty cp xi mang vicem hoang mai
Kết luận thanh tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chỉ ra hàng loạt tồn tại, sai phạm tại 2 mỏ đá vôi và đá sét của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai.

Lập phê, duyệt thiết kế kỹ thuật mỏ đá vôi Hoàng Mai B, Nhà máy xi măng Hoàng Mai có một số nội dung như trữ lượng khoáng sản khai thác, công suất khai thác, thời gian khai thác chưa phù hợp với giấy phép khai thác khoáng sản được cấp.

Khai thác vượt công suất được phép khai thác năm 2016 và 2018 quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản: Sản lượng khai thác thực tế năm 2016 là 1.888.791 tấn, tương ứng vượt gần 5%; Sản lượng khai thác thực tế năm 2018 là 2.047.178 tấn, tương ứng vượt gần 14%.

Thu hồi, sử dụng loại khoáng sản đi kèm, khoáng sản mới phát hiện trong quá trình khai thác (đá dolomit) nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Theo đó, chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với việc thu hồi đá dolomit đi kèm trong quá trình khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng.

Đối với mỏ đá sét Quỳnh Vinh, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản chỉ rõ, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai cũng chưa hoàn thành việc xin cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Chưa hoàn thành việc điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản sau khi có sự thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản.

Lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật hạng mục công trình mỏ sét Quỳnh Vinh và trạm đập sét thuộc dự án đầu tư Nhà máy xi măng Hoàng Mai về công suất khai thác chưa phù hợp với Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp.

Trên cơ sở kết quả thanh tra nêu trên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 hành vi vi phạm hành chính của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai, bao gồm: Khai thác vượt dưới 15% so với công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong giấy phép; Thu hồi, sử dụng khoáng sản đi kèm (đá dolomit), khoáng sản mới phát hiện trong quá trình khai thác nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép, cho phép theo quy định.

hang loat ton tai vi pham tai cong ty cp xi mang vicem hoang mai
Nhà máy xi măng của Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai (ảnh tư liệu).

Đồng thời, yêu cầu Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai khẩn trương hoàn thành việc xin cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản và điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản sau khi có sự thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản. Lập và phê duyệt thiết kế mỏ (điều chỉnh) cho phù hợp với nội dung giấy phép khai thác khoáng sản được cấp và nộp cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Khai thác đúng công suất trong giấy phép và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho phép thu hồi, sử dụng loại khoáng sản đi kèm, khoáng sản mới phát hiện.

Lập báo cáo tổng hợp về sản lượng đã khai thác và sử dụng thực tế hàng năm; tổng hợp sổ sách, chứng từ và các tài liệu có liên quan đến hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản đi kèm (dolomit) từ khi khai thác đến nay, nộp về Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra, công ty có trách nhiệm khắc phục các tồn tại, vi phạm, báo cáo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An kết quả thực hiện.

Trường hợp công ty này không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Theo Đình Tiệp/Báo TNMT