Ngày 31/7, Thư ký điều hành Công ước khung Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (UNFCCC) - bà Patricia Espinosa cho rằng, các quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cần đề ra các mục tiêu khí hậu tham vọng hơn và nỗ lực hành động mạnh mẽ hơn để có thể đạt được các mục tiêu này.
Bà Espinosa cho biết, hiện mới chỉ có hơn 50% các nước tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đệ trình các mục tiêu và lộ trình giảm khí thải carbon cấp quốc gia. Theo bà, các nước này cần đưa ra những mục tiêu tham vọng hơn nữa trong chương trình hành động khí hậu của mình.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là văn kiện quốc tế có tính ràng buộc về pháp lý, được 196 quốc gia thông qua vào tháng 12/2015 với mục tiêu kiềm chế nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng trong phạm vi 1,5 - 2 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo Hiệp định này, đến cuối năm 2020, các nước tham gia ký kết phải công bố mục tiêu cam kết giảm lượng khí thải của nước mình (NDC). Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 bùng phát và Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) lùi đến tháng 11 tới tại Glasgow, Anh, Chính phủ nhiều nước hiện vẫn chưa đệ trình được kế hoạch của mình. Theo bà, đến hạn chót mới là ngày 30/7, đã có 110 quốc gia, trong đó có Mỹ, trình mới hoặc cập nhật NDC.
Thư ký điều hành Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, bà Espinosa nhấn mạnh các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng xảy ra trong thời gần đây trên toàn thế giới là lời cảnh báo rằng các nước không được phép chần chừ, cần hành động mạnh hơn nữa, nhanh hơn nữa để đạt các mục tiêu khí hậu đã đề ra.