Hậu Giang: Tiêu chí chọn đối tác chiến lược ở Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân có bất thường?

Nhiều người tỏ ra nghi vấn về việc tỉnh Hậu Giang đưa ra tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược phải có Chứng nhận hữu cơ đạt tiêu chuẩn của các nước Mỹ, Nhật và châu Âu.
Thắt chặt tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện cơ giớiTừ 2020, hàng triệu ô tô phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mớiThu hồi thuốc Aciclovir không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Thoái vốn Nhà nước, cổ phần hoá doanh nghiệp là một trong những vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nhà đầu tư mong đợi. Thế nhưng, cách đặt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của tỉnh Hậu Giang khi xây dựng phương án cổ phần hoá kết hợp thoái vốn tại Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân khiến nhiều người không khỏi hoài nghi.

Cổ đông hoài nghi

Ngày 20/7/2020, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thừa uỷ quyền của Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định số 1307/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án cổ phần hoá Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân.

Theo nội dung quyết định này, Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân sẽ thực hiện cổ phần hoá bằng việc cổ đông Nhà nước thoái vốn, giảm sở hữu về 51% vốn điều lệ. Việc thoái vốn sẽ thực hiện qua 3 hình thức, bao gồm: Chào bán cho cổ đông chiến lược (23% vốn điều lệ), cán bộ - công nhân viên 2,49% vốn điều lệ và bán ra ngoài theo hình thức đấu giá công khai 23,51% vốn điều lệ.

tm-img-alt
Tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược của UBND tỉnh Hậu Giang đưa ra trong Kế hoạch cổ phần hóa Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân khiến nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự hoài nghi.

Tuy nhiên, khi thoái vốn Nhà nước tại Trung tâm này lại phát sinh vấn đề. Bởi tỉnh Hậu Giang đưa ra tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược một cách đầy khó hiểu.

Theo phương án cổ phần hoá Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, nhà đầu tư chiến lược (được quyền mua 23% vốn điều lệ) phải đáp ứng 8 tiêu chí. Trong đó, có một số tiêu chí đáng chú ý như: Có vốn điều lệ thực góp tối thiểu 50 tỉ đồng theo báo cáo tài chính năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán; 2 năm liên tiếp có lãi và không có lỗ luỹ kế; có sản phẩm đã được cấp Chứng nhận hữu cơ đạt tiêu chuẩn của các nước Mỹ, Nhật và châu Âu. Có sản phẩm hữu cơ cung cấp trên thị trường; đã đầu tư hoặc hợp tác đầu tư, liên danh, liên kết đầu tư dự án/trang trại hữu cơ quy mô trên 200 ha đất trở lên.

Kết quả, Công ty TNHH Nông nghiêp Nhất Thống là doanh nghiệp duy nhất nộp hồ sơ đáp ứng yêu cầu và đã trở thành cổ đông chiến lược của Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân.    

Theo tìm hiểu của Phóng viên, Công ty TNHH Nông nghiêp Nhất Thống có trụ sở tại 40 ấp 4, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Doanh nghiệp này thành lập vào tháng 7/2015, có vốn điều lệ 10 tỉ đồng, chủ sở hữu và người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hữu Thời.

Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao tỉnh Hậu Giang lại đưa ra tiêu chí nhà đầu tư phải có Chứng nhận hữu cơ đạt tiêu chuẩn của cả 3 thị trường là Mỹ, Nhật và châu Âu? Đây có phải là tiêu chuẩn “đánh đố” các doanh nghiệp và ai được hưởng lợi từ tiêu chí này?

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty Cổ phần Nông nghiệp Mùa Xuân Hậu Giang, một nhà đầu tư đặt câu hỏi: Tại sao lại đưa ra tiêu chí phải có chứng nhận hữu cơ cả 3 thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu mà không phải là 1 trong số các thị trường này, hoặc thị trường khác? Quan trọng hơn, khi đưa ra nhóm tiêu chí này, UBND tỉnh có đánh giá được có bao nhiêu doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng được?

Trả lời tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang – Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân chỉ nói chung chung: “Hậu Giang là tỉnh nghèo, rất có quyết tâm phát triển công nghệ mới. Trong đó, công nghệ hữu cơ đang là một xu hướng phát triển. Chúng tôi nhận được thông tin về một số doanh nghiệp có hoạt động này (hoạt động công nghệ hữu cơ-PV). Trong đó có Nhật Bản là thị trường chất lượng cao, tiên tiến. Chúng ta muốn phát triển được thì phải đi tắt đón đầu vào các thị trường đó. Dựa trên những quy định của pháp luật và thẩm quyền chúng tôi đã đưa ra những tiêu chí như vậy”.

Không hài lòng với câu trả lời của Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa, nhà đầu tư tiếp tục đặt câu hỏi: “Tại Việt Nam hiện có bao nhiêu nhà đầu tư đáp ứng được tiêu chí trên?”.

Ông Hà trả lời: “Sao biết được, chúng ta có hàng triệu doanh nghiệp đang kinh doanh. Chúng tôi đưa ra các tiêu chí trên nếu không lựa chọn được nhà đầu tư thì lúc đó mới hạ xuống. Các bước, trình tự thủ tục, chúng tôi giao cho các cơ quan chuyên môn làm rõ. Toàn bộ kết quả lựa chọn đến thời điểm này là theo quy định của pháp luật”.

Sở dĩ nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề này bởi họ nghi vấn tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược dường như đã "định sẵn" cơ hội cho Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống. Bởi Công ty TNHH Nông nghiệp Nhất Thống đáp ứng “vừa đủ” các tiêu chí này.

Đáng nói hơn, câu chuyện tiêu chí phải có Chứng nhận hữu cơ cả 3 thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp ngỡ ngàng.

Theo tìm hiểu, việc doanh nghiệp thực hiện dự án quy mô từ 200 ha trở lên khá nhiều, doanh nghiệp hữu cơ cũng không phải là ít. Nhưng doanh nghiệp có Chứng nhận hữu cơ cả 3 thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu thì..."siêu hiếm". Bởi, khi cần xuất khẩu thị trường nào thì doanh nghiệp mới làm tiêu chuẩn thị trường đó.

Hơn nữa, bản thân ông Nguyễn Thanh Hà khi trả lời nhà đầu tư về việc vì sao đưa tiêu chuẩn trên khi lựa chọn đối tác cũng chỉ giải thích là muốn theo hướng thị trường Nhật Bản có chất lượng cao. Vậy tại sao hướng đến công nghệ cao không đòi hỏi các tiêu chuẩn về kỹ thuật mà lại đưa tiêu chuẩn về chứng nhận chất lượng sản phẩm?

Lợi ích Nhà nước có bị ảnh hưởng?

Việc đưa ra tiêu chí chọn nhà đầu tư mà không giải thích thoả đáng vì sao chọn tiêu chí ấy, không đánh giá được có bao nhiêu nhà đầu tư quan tâm, đáp ứng được yêu cầu là điều gây bức xúc cho các cổ đông. Phải chăng đây là nguyên nhân chỉ có một nhà đầu tư chiến lược đáp ứng yêu cầu. Nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi liệu có việc tiêu chí đang “chạy theo” nhà đầu tư?

Các tiêu chí được đưa ra là để phân loại trong việc tìm kiếm đối tác được nhanh hơn, phù hợp hơn. Tuy nhiên, nếu đưa ra các tiêu chí quá “đặc thù” dẫn đến mất đi yếu tố cạnh tranh. Nghĩa là mất đi cơ hội của các doanh nghiệp khác.

tm-img-alt
Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát Công ty Công ty Cổ phần Nông nghiệp Mùa Xuân Hậu Giang. Ảnh Internet.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Rõ ràng việc đưa ra tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược như trên khiến nhiều doanh nghiệp mất đi cơ hội. Bởi một lúc họ không thể đáp ứng được Giấy chứng nhận chuẩn hữu cơ các thị trường mà tỉnh Hậu Giang đưa vào. Và khi chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng được chắc chắn sẽ thiếu tính cạnh tranh”.

Luật sư Huy An dẫn chứng, thời gian qua, trong công tác đấu thầu, báo chí đăng tải rất nhiều sự việc chủ đầu tư “cài cắm”, đưa ra những tiêu chí cao, bất hợp lý trong hồ sơ mời thầu làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Để làm được việc này, chủ đầu tư đưa ra tiêu chí mà chỉ một hoặc rất ít nhà thầu đáp ứng được.

“Gọi là đấu thầu công khai nhưng thực ra đó là chỉ định thầu. Thậm chí có tình trạng chủ đầu tư còn bê nguyên thông số kỹ thuật của một sản phẩm vào tiêu chí mời thầu. Và tất nhiên, chỉ nhà sản xuất, phân phối độc quyền sản phẩm đó mới đáp ứng được. Tình trạng này rõ ràng là tiêu cực trong đấu thầu, thiệt hại cho doanh nghiệp và lợi ích Nhà nước bị ảnh hưởng”, Luật sư Huy An nói.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Nguyễn Trường Giang cho biết còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cổ phần hóa, thoái vốn, gây bức xúc dư luận.

Nhận xét số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra, ĐBQH Giang dẫn chứng, năm 2018, cả nước phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng thực tế chỉ đạt hơn 17%, với 12 doanh nghiệp hoàn thành; 35 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019, chiếm 55%; 12 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang thực hiện năm 2020, chiếm 23%, và 6 doanh nghiệp không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành.

“Việc cổ phần hóa còn thiếu công khai, minh bạch, "lợi ích nhóm", có hiện tượng can thiệp chưa đúng quy định của pháp luật", ĐBQH Nguyễn Trường Giang đánh giá.

Nhóm PV
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường