Khát vọng 'Rồng bay': Hà Nội hội nhập quốc tế sâu rộng, bền vững

Trong 9 tháng năm 2020, Hà Nội thu hút khoảng 3,28 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài, một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu suy giảm do đại dịch COVID-19.
Hà Nội: Nhân rộng chương trình phân loại rác tại nguồnHà Nội: Sớm hoàn thành dự án cải tạo hồ Linh Quang sau 16 năm dang dởMạnh tay xử phạt chủ đầu tư 'ôm' đất rồi bỏ hoang ở Hà Nội
tm-img-alt
Thủ đô sau gần 35 năm đổi mới đã, đang không ngừng phát triển năng động, khang trang, hiện đại. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Những ngày đầu tháng 10, phóng viên có mặt tại sân bay Nội Bài và nhận thấy rõ sự chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả của Thủ đô Hà Nội bất chấp dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Khu vực ga sân bay nhộn nhịp khách làm thủ tục, trong số này có khá đông người nước ngoài, phần nhiều trong số họ là các chuyên gia đến làm việc tại Việt Nam và có cả du khách tới du lịch.

Lực lượng hải quan, nhân viên y tế... đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo đảm thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế biên mậu, vừa bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 nơi của ngõ giao thương trong nước và quốc tế.

Điểm đến an toàn, hấp dẫn đầu tư

Từ sân bay Nội Bài tiến về trung tâm Thủ đô, hai bên đường quốc lộ là hai "mảng màu" rõ rệt, một bên mà những nếp nhà biệt thự mái ngói đỏ tươi minh chứng cho nông thôn mới trù phú, một bên là khu công nghiệp Bắc Thăng Long với nhiều nhà xưởng của các công ty nước ngoài mọc san sát, minh chứng cho môi trường đầu tư thông thoáng, điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi đến với Hà Nội.

Có thể khẳng định, đây là "trái ngọt" cho cả quá trình trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực.

tm-img-alt
Thủ đô Hà Nội với những tòa nhà cao tầng hiện đại. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Đặc biệt, Hà Nội đã chỉ đạo toàn diện, thực hiện đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Nỗ lực ấy minh chứng qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội trong 2 năm liên tiếp (2018 và 2019) duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố; chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) 3 năm liên tiếp (2017, 2018 và 2019) duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Kết quả trong 9 tháng năm 2020, Hà Nội thu hút khoảng 3,28 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài, một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu suy giảm do đại dịch COVID-19.

Lũy kế cho đến nay, thành phố có 6.278 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đạt trên 47,7 tỉ USD, giải ngân đạt trên 28,5 ỉ USD.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016-2020, ước tính Hà Nội thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và là điểm sáng trên phạm vi cả nước. Liên tiếp 2 năm 2018 và 2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn này.

Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội Takeo Nakajima chia sẻ, hiện có 41% công ty Nhật Bản đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới.

Rõ ràng, đây cũng là thông tin thú vị để Hà Nội tận dụng thứ hạng trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm gia tăng thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Còn Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh đón nhận làn sóng đầu tư mới, định hướng lại chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng vươn tới giá trị gia tăng cao hơn, lớn hơn, Hà Nội là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới này.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thành phố xác định mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thu hút 30-40 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt 20-30 tỉ USD.

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố Hà Nội xác định và đề ra chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị; của Chính phủ, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh tin tưởng và lựa chọn đầu tư; đồng thời quyết liệt cải cách hành chính, xây dựng “chính quyền điện tử” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô

Báo cáo của Thành ủy Hà Nội cho thấy, trong những năm qua, thành phố đã luôn tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường quảng bá văn hóa, giao lưu hữu nghị và góp phần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài.

Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới. Hoạt động đối ngoại nhân dân của Thủ đô trong 5 năm qua đã góp phần tăng cường giao lưu, thúc đẩy sự hiểu biết giữa người dân Hà Nội và nhân dân nhiều thành phố, quốc gia trên thế giới.

Dấu ấn tốt đẹp từ ngoại giao nhân dân được tạo dựng thông qua việc triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng và thực sự trở thành cầu nối hữu nghị giữa Thủ đô Hà Nội và bạn bè quốc tế.

Nhiều di sản văn hóa, danh hiệu cao quý được UNESCO vinh danh, đặc biệt sau kỷ niệm 20 năm Hà Nội đón nhận Thành phố vì hòa bình, Thủ đô tiếp tục được UNESCO vinh danh danh hiệu Thành phố sáng tạo.

Đây là cơ hội thuận lợi cho thành phố trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cho rằng, trong quá trình phát triển, Hà Nội đặc biệt coi trọng phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Vì vậy, với việc ghi danh Hà Nội vào mạng lưới các thành phố sáng tạo, UNESCO tại Việt Nam mong muốn sẽ thúc đẩy hơn các giá trị này với mục tiêu xây dựng Hà Nội từ thành phố sáng tạo trở thành trung tâm sáng tạo, "kinh đô sáng tạo" của khu vực Đông Nam Á và châu Á dựa trên nền tảng các giá trị di sản, văn hóa, hòa bình, từ đó xây dựng hình ảnh Hà Nội của thế kỷ 21 năng động, sáng tạo, thành phố đáng sống.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, trong dự thảo Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội sắp tới, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 là thành phố xanh, thông minh và hiện đại và đến năm 2045 là thành phố đáng sống, Thủ đô của đất nước có thu nhập cao.

Điểm nổi bật trong chiến lược phát triển này, Hà Nội coi trọng phát huy các giá trị nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình cùng với nguồn lực con người để trở thành động lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển.

Hiện Hà Nội đang xúc tiến xây dựng mạng lưới sáng kiến Thủ đô với mục tiêu quy tụ những chuyên gia, nhà khoa học và người yêu Hà Nội đóng góp những ý tưởng, sáng kiến để xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành thành trung tâm sáng tạo, thành phố đáng sống.

Hiện, Hà Nội đã và đang duy trì và phát huy vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương với vai trò thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế như: Tổ chức thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), mạng lưới chính quyền địa phương về quản lý dân cư (CityNet), nhóm các thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), hiệp hội quốc tế các thị trưởng thành phố nói tiếng Pháp (AIMF), hiệp hội các thành phố lớn thế giới (Metropolis)... qua đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.

Nguyễn Thắng - Văn Cảnh
Theo (TTXVN/Vietnam+)