Tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài ở Quảng Trị nhiều tháng nay, khiến mực nước ở các sông suối, kênh, rạch khô cạn; mực nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng, nhất là khu vực nông thôn. Các công trình thủy lợi trên địa bàn đã ngừng cấp nước tưới để phục vụ thu hoạch lúa hè thu, dẫn đến mực nước ngầm tại các vùng chịu ảnh hưởng của các công trình thủy lợi bị hạ thấp, giếng nước, ao hồ, kênh, rạch trong khu vực dân cư bị khô cạn, gây nên tình trạng thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm mất cân bằng hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường nước nông thôn.
Nắng hạn nghiêm trọng khiến vườn sầu riêng cho thu hoạch nhiều năm nay tại huyện Vĩnh Linh nhiều cây bị chết, quả rụng và khô nứt nẻ. |
Những ngày này, nhân dân ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn thiếu nước uống. Mọi năm, đến tháng 9 trời đã có mưa to, nhưng từ đầu năm 2020 đến nay rất ít mưa, nếu có thì lượng mưa rất nhỏ, nên mực nước ngầm trong lòng đất bị hạ thấp, giếng đào lấy nước của tất cả người dân trong thôn đều bị khô, nước sinh hoạt thiếu. Để có nước uống, người dân Nam Sơn phải thuê thợ khoan giếng.
Gia đình ông Hồ Hữu Phước ở thôn Lệ Xá, xã Vĩnh Sơn phải nuôi tám đội thợ khoan giếng, khoan đến 14 vị trí trong vườn nhà vẫn chưa tìm ra nguồn nước. Cuối cùng phải ra sát mép ruộng gần vườn nhà, khoan mũi thứ 15 xuống độ sâu 60 m mới có nước, nhưng chất lượng nước vẫn không tốt vì nhiễm phèn.
Để khoan được một cái giếng lấy nước, trung bình một hộ dân phải tốn 10 triệu đồng, với gia đình ông Phước phải tốn đến 20 triệu đồng tiền công cho thợ, chưa kể tiền cơm nước cho đội thợ làm việc trong thời gian 15 ngày. Toàn xã Vĩnh Sơn có bảy thôn bị hạn, trong đó có ba thôn Nam Sơn, Lệ Xá và Minh Phước bị thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Cùng với đó, gia súc, gia cầm thiếu nước uống, nhiều trang trại nông nghiệp ở Vĩnh Sơn cây cháy khô.
Người dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh phải khoan giếng lấy nước sinh hoạt vì các giếng tự đào đã khô, không còn nước. |
Tại xã Vĩnh Lâm, Chủ tịch UBND xã Lê Đức Dũng cho biết, toàn bộ 7 thôn của xã đều bị ảnh hưởng của nắng hạn trong thời gian qua, trong đó hai thôn Tiên Mỹ 1 và Tiên Mỹ 2 bị nặng nhất.
Ông Nguyễn Văn Kiệm ở thôn Tiên Mỹ 1 cho biết, gia đình ông có giếng đào sâu 6m bị khô nước, nay đã thuê người đào sâu thêm 4m nhưng mạch nước quá yếu, mực nước luôn sát đáy giếng, phải gạn mới có nước dùng cho sinh hoạt gia đình. Trời nắng hạn quá lâu, lượng nước thẩm thấu trong tầng đất không còn nữa nên các giếng đào trong thôn đều chung tình trạng khô hạn. Hơn một nửa số hộ dân toàn xã đang thiếu nước sinh hoạt; cây trồng vật nuôi bị đe dọa nghiêm trọng, nhiều mô hình cây trồng đang chết khô.
Còn ở xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Chấp trời mấy tháng nay không có một cơn mưa. Người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhiều trang trại cây ăn quả vì thiếu nước tưới nên năng suất rất thấp. Các loại quả sầu riêng, bưởi, cam sành, măng cụt… trái non rụng la liệt vì khô hạn làm cây héo úa. Nhân dân ở các xã gò đồi trung du của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ… tỉnh Quảng Trị đã làm hết cách để tìm nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cứu cây trồng, nhưng đang bế tắc.
Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, trước tình hình khô hạn khắp vùng gò đồi và thiếu nước sinh hoạt cho thành phố Đông Hà, sở đã chỉ đạo Công ty Quản lý, khai thác công trình thủy lợi (QLKTCTTL) tỉnh rà soát và có phương án điều tiết nước kịp thời từ các công trình thủy lợi để cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi cho nhân dân; kết hợp giữ mực nước trong kênh để gia tăng mực nước ngầm, xả nước xuống các ao hồ, sông suối nhằm góp phần cải thiện, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nhiều vườn cây chè của người dân Quảng Trị bị nắng hạn làm khô rụi. |
Tuy nhiên, nước trữ ở nhiều hồ chứa thủy lợi toàn tỉnh đã bị khô cạn, nên lượng nước xả về không đáng kể, chưa giải quyết được nhiều cho người dân vùng khô hạn. Nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài sẽ không đủ lượng nước điều tiết về hạ du, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trên diện rộng là hiện hữu, nhất là thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường cho khu vực nông thôn và thành phố Đông Hà.
Trước đó, từ đầu tháng 7, thành phố Đông Hà đã thiếu nước sinh hoạt. Công ty QLKTCTTL đã thực hiện điều tiết nguồn nước từ hồ chứa nước Ái Tử xả xuống sông Vĩnh Phước tạo nguồn bơm cho nhà máy nước Tân Lương, cấp nước cho 100 nghìn người dân thành phố Đông Hà, với tổng khối lượng đến nay khoảng 1,43 triệu m3.
Để ứng phó kịp thời thiên tai, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng phương án cấp nước từ các hệ thống công trình thủy lợi cụ thể cho từng vùng; ưu tiên cấp nước sinh hoạt kịp thời cho nhân dân vùng thiếu nước nghiêm trọng. Tiếp tục thực hiện xả nước từ hồ Ái Tử xuống sông Vĩnh Phước để tạo nguồn bơm cho nhà máy nước Tân Lương, cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đông Hà. Hiện tại, hồ chứa nước Ái Tử đã cạn kiệt, chỉ còn 200 nghìn m3 trên mực nước chết. Vì vậy, Công ty QLKTCTTL tỉnh phối hợp Công ty CP nước sạch Quảng Trị chủ động xây dựng phương án khai thác dung tích chết để kịp thời cấp nước tạo nguồn cho nhà máy nước Tân Lương, thành phố Đông Hà.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt để giữ gìn sức khỏe người dân trước thiên tai, dịch bệnh. Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước hợp lý, kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, tránh gây ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là chăn nuôi và ô nhiễm môi trường nước.