Kinh Đô TCI Group có ‘bán rẻ’ niềm tin khách hàng?

Những vi phạm ngang nhiên tại hàng loạt dự án của Kinh Đô TCI Group về xây dựng, môi trường, lấn chiếm không gian cây xanh, nguy cơ mất an toàn cháy nổ… đã khiến nhiều người mua nhà bức xúc, kiện cáo ầm ĩ. Dẫu biết kinh doanh phải vì lợi nhuận, nhưng chữ Tâm – Tín trong đạo đức của chủ doanh nghiệp ở đâu khi niềm tin của khách hàng đã sụp đổ?
Tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện thanGiật mình siêu dự án Bitexco 'quên' báo cáo ĐTMDanko đầu tư dự án 'khủng' cỡ nào trên đất Thái Nguyên?
kinh do tci group co ban re niem tin khach hang
Cư dân chung cư Capital Garden ngõ 102 Trường Chinh, Hà Nội tố cáo chủ đầu tư lấn chiếm không gian cây xanh, lừa dối khách hàng.

Từ năm 2011 đến nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển thương mại Kinh Đô (Kinh Đô TCI Group) nổi lên với nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại trung tâm Hà Nội. Song đi liền với đó là những tai tiếng về vi phạm xây dựng, môi trường, lấn chiếm không gian cây xanh, vận hành toà nhà, điển hình như dự án 8B Lê Trực xây dựng vượt tầng, dự án Discovery Complex (302 Cầu Giấy) có tiến độ “rùa”, tố cáo chủ đầu tư lừa dối khách hàng bán nhà “cơi nới” tại dự án Capital Garden (ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội)…

Mới đây, Công an TP.Hà Nội đã thông báo phục hồi điều tra vụ án hình sự “Lừa dối khách hàng xảy ra” tại dự án chung cư Capital Garden sau thời gian dài tạm dừng điều tra. Thông báo này được gửi đích danh tới ông Trần Đức Minh, Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển thương mại Kinh Đô (Kinh Đô TCI Group), Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô, cùng các chủ căn hộ tại 4 tầng dự án Capital Garden.

Trên cơ sở kết luận giám định con dấu tròn Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô và chữ ký của ông Trần Đức Minh, căn cứ Điều 233 Bộ Luật Tố tụng hình sự, Cơ quan cảnh sát Điều tra (Công an TP.Hà Nội) đã huỷ bỏ Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, phục hồi điều tra vụ án “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê (dự án Capital Garden).

Vụ việc tố cáo lãnh đạo công ty và các pháp nhân có dấu hiệu lừa dối người mua nhà, trục lợi bất chính này là điển hình cho tình trạng chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường sống.

Khởi công từ năm 2011 trên diện tích 21.197m2, dự án Capital Garden được có tiến độ ì ạch, một thời gian sau lại tạm dừng thi công không rõ lý do. Đến quý 4/2014, Kinh Đô TCI Group mới tái khởi động lại dự án này song tiến độ chậm chạp, có nhiều vi phạm xây dựng, bàn giao nhà ở cho người dân khi chưa được chứng nhận về phòng cháy chữa cháy (PCCC)… Thậm chí, trước việc chủ đầu tư lùa người dân vào ở bất chấp nguy cơ cháy nổ, coi thường tính mạng của người dân, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực và các đơn vị không cấp điện, nước sử dụng cho tòa nhà Capital Garden.

Không chỉ vậy, chủ đầu tư còn tự ý “vẽ” thêm hàng trăm căn hộ tại các tầng kỹ thuật, lấn chiếm diện tích dành cho cây xanh, cắt bớt hạng mục được quảng cáo khi bán hàng… Việc công trình không được nghiệm thu, nhất là các căn hộ “cơi nới” này khiến cư dân đối mặt với nguy cơ tranh chấp pháp lý, không được cấp sổ đỏ căn hộ…

Dự án Capital Garden chỉ được cấp phép xây dựng 21 tầng nổi, 1 tầng cây xanh và 2 tầng kỹ thuật, nhưng chủ đầu tư đã tự ý thay đổi thiết kế để “cơi nới” thêm hơn 100 căn hộ nhằm thu lợi bất chính.

Với giá bán khoảng hơn 20-23 triệu đồng/m2 thì ước tính số tiền bán hơn 100 căn hộ “cơi nới” không được cấp phép này lên tới hàng trăm tỉ đồng… Phải chăng vì lợi ích kinh tế quá lớn và dễ dàng chiếm hưởng nên chủ đầu tư đã ngang nhiên “hô biến” các tầng kĩ thuật, cây xanh thành tầng căn hộ để bán, bất chấp vi phạm các quy pháp luật, cũng như đẩy rủi ro không được cấp sổ đỏ sang khách hàng?

kinh do tci group co ban re niem tin khach hang
Ông Trần Đức Minh - Chủ tịch HĐQT Kinh Đô TCI Group có “vô cảm” trước những nỗi uất hận của người mua nhà tại các dự án của tập đoàn này?

Cho đến nay, những người đại diện pháp luật của Kinh Đô TCI Group và chủ đầu tư Capital Garden cũng không đưa ra hướng giải quyết thoả đáng, đảm bảo quyền lợi cho người mua căn hộ xây dựng sai phép, và công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy…

Đỉnh điểm của tranh chấp kéo dài là hàng trăm khách hàng đã kéo đến tụ tập, căng băng rôn tố cáo những sai phạm của Kinh Đô TCI Group và chủ đầu tư dự án Capital Garden.

Suốt thời gian dài, các dự án của Kinh Đô TCI Group và công ty thành viên triển khai đầu tư liên tiếp vướng “lùm xùm” tai tiếng xấu, bị khách hàng tố cáo lừa dối, tranh chấp khiếu kiện triền miên.

Một “công thức” được áp dụng phổ biến tại các dự án của Kinh Đô TCI Group là bất ngờ thay đổi thiết kế, xoá bỏ hạng mục, tự cơi nới thêm tầng căn hộ… Điển hình, chủ đầu tư đã bỏ 4 tầng cây xanh như quảng cáo về không gian sống lý tưởng ban đầu, biến thành căn hộ để bán hoặc cho thuê, như tại dự án tiến độ “thập kỷ” Discovery Complex số 302 Cầu Giấy, Hà Nội. Ngoài ra, công ty còn bỏ cầu nối hai tháp A-B, ép khách hàng nộp tiền nhận nhà khi công trình dự án vẫn thi công ngổn ngang…

Tại dự án Kinh Đô Building số 93 Lò Đúc, Hà Nội, chủ đầu tư từng bị cư dân tố cáo vì tự ý biến tầng áp mái có khu vực để trồng cây xanh thành nhà ở để bán, chiếm toàn bộ phần diện tích thuộc sở hữu chung tại tầng hầm B1, B2 làm chỗ trông giữ xe để thu lợi, cơi nới xây thêm phòng kỹ thuật trên diện tích chung của tòa nhà mà không xin ý kiến của cư dân…

Dự án tai tiếng nhất là dự án 8B Lê Trực, chủ đầu tư đã xây dựng vượt 16m chiều cao, tương đương thêm 5 tầng căn hộ để bán cho khách hàng. Diện tích sàn cũng tăng thêm 6.000m2 so với giấy phép chỉ được xây gần 30.000 m2. Dự án đã bị cơ quan chức năng cưỡng chế phá dỡ các tầng xây dựng trái phép…

Những vi phạm xây dựng sai phép liên tiếp, bán hàng không đúng như cam kết của Kinh Đô TCI Group và đơn vị thành viên, cùng cách ứng xử phản cảm khi giải quyết khiếu nại, bồi thường thiệt hại cho người mua, đã khiến dư luận lên án về sự thiếu đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của doanh nghiệp này.

Các khách hàng bỏ ra số tiền lớn hàng tỉ đồng để mua nhà tại các dự án của Kinh Đô TCI Group, đổi lại họ nhận được những sản phẩm “lỗi hỏng”, kèm nỗi uất hận khi phải theo đuổi kiện cáo chủ đầu tư vì lợi nhuận mà sẵn sàng “bán rẻ” niềm tin của khách hàng.

Hải Nam
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường