Triển vọng phát triển thị trường quốc tế
Tại hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải tuần qua, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết 6 tháng đầu năm 2022, nhờ đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động tại các cảng hàng không dần nhộn nhịp trở lại.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, việc mở lại các đường bay quốc tế, phục hồi du lịch đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động, không bị lỡ nhịp trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới.
“Triển vọng phát triển hàng không Việt Nam trong năm nay và thời gian tới là khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng,” ông Đạt nói.
Lũy kế 6 tháng, sản lượng chuyến bay tại các cảng hàng không ước đạt 205.000 chuyến. Tính riêng thời điểm tháng 6, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam từ ngày 19/5 - 18/6, tổng số các chuyến bay do các hãng hàng không khai thác đạt 30.808 chuyến, tăng trưởng thần tốc 528,7% so với thời điểm “đóng băng” đường bay năm 2021.
Cũng tính đến cuối tháng 6/2022, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không quốc tế có hơn 30 hãng hãng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác 96 đường bay kết nối Việt Nam với 21 quốc gia/vùng lãnh thổ là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Australia, Đức, Pháp, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ… Trong đó các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 68 đường bay quốc tế đến 16 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Do đó, theo đánh giá của ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), sự phục hồi của thị trường quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Vietnam Airlines, khi các đường bay thường lệ quốc tế giai đoạn trước đại dịch mang tới 65% doanh thu của hãng.
Đa dạng thị trường mới nhiều tiềm năng
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay mặc dù các thị trường bay quốc tế chưa mở rộng thêm nhưng các đường bay đã được các hãng hàng không từng bước triển khai.
Trong đó, thị trường Ấn Độ được coi là một thị trường mới đầy tiềm năng của du lịch Việt Nam. Các hãng hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines của Việt Nam và IndiGo của Ấn Độ đã khai thác trở lại đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đặc biệt, Vietjet Air đã được cấp quyền vận chuyển hàng không để khai thác mới hơn 20 đường bay từ các điểm tại Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc tới các điểm mới tại Ấn Độ là Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Chennai, Kolkata, Gaya, đồng thời đề nghị tăng tần suất khai thác đến Delhi và Mumbai để khai thác ngay từ tháng 7/2022.
Thị trường Hàn Quốc đang chuẩn bị đón sự khai thác trở lại của các hãng hàng không Hàn Quốc đến Đà Nẵng, Nha Trang, đồng thời Vietjet Air đã được cấp quyền vận chuyển hàng không để khai thác đường bay Đà Nẵng – Busan từ tháng 7/2022.
Tại châu Úc, Bamboo Airways đang khai thác đường bay thường lệ Hà Nội – Melbourne với tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần, là hãng bay Việt Nam đầu tiên và duy nhất khai thác chặng bay thẳng này. Đồng thời, hãng cũng đang khai thác các đường bay TP.HCM – Melbourne tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần, dự kiến nâng lên 2 chuyến khứ hồi/tuần từ 28-6; đường TP.HCM – Sydney với 1 chuyến khứ hồi/tuần và dự kiến nâng tần suất lên 2 chuyến khứ hồi/tuần từ 1-7.
Tại khu vực châu Âu, Bamboo Airways đang khai thác các đường bay thẳng thường lệ Hà Nội - Frankfurt (Đức) với tần suất 2 chuyến khứ hồi/tuần; Hà Nội – London (Anh) tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần; TP.HCM – Frankfurt (Đức) tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần.
Đến giữa tháng 6/2022, thị trường hàng không quốc tế có gần 30 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways) khai thác đi/đến 22 quốc gia, vùng lãnh thổ.
So với giai đoạn năm 2019 (trước dịch Covid-19), còn có 4 thị trường chưa mở lại các đường bay thường lệ đi, đến Việt Nam gồm Brunei, Indonesia, Myanmar, Macao (Trung Quốc) và một số thị trường có các chuỗi thuê chuyến theo từng giai đoạn trong năm như Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp sau khi xuất hiện nhiều biến thể virus, hiệu quả của vaccine suy giảm nhanh, mặc dù hầu hết các quốc gia trên thế giới đã tiến hành tiêm chủng vaccine với tỷ lệ khá cao, song các nước đang thực hiện một cách thận trọng mở cửa đón khách nhập cảnh theo từng bước.
Trong đó, một số thị trường quốc tế như Hàn Quốc vẫn bị khống chế chuyến bay ở số lượng thấp, điều kiện nhập cảnh phức tạp. Thị trường Trung Quốc hiện chỉ được tăng thêm một chuyến/tuần, lên 2 chuyến/tuần do duy trì chính sách Zero Covid-19. Các thị trường khác như Đài Loan, Nhật Bản đang trong quá trình từng bước mở cửa.
Do đó, để ngành hàng không phục hồi và tăng trưởng trở lại, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) đề xuất thêm ba giải pháp giúp doanh nghiệp hàng không trong thời gian tới, đề nghị Nhà nước xem xét tiếp tục triển khai.
Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành hàng không Việt Nam.
Thứ hai, triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều, để các hãng có điều kiện thuận lợi trong thâm nhập và khai thác thị trường này.
Thứ ba, xem xét kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí cho các doanh nghiệp vận tải hành không đến khi thị trường bay quốc tế hồi phục về mức trước dịch. Dự kiến kịch bản tích cực là cuối tháng 6 hoặc hết năm 2023".
Thị trường nội địa “bứt phá” mạnh mẽ
Thị trường hàng không nội địa Việt Nam ghi nhận tốc độ phục hồi nhanh nhất thế giới. 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế qua các cảng hàng không tăng trưởng đáng kinh ngạc, gấp hơn 9 lần cùng kỳ trong khi khách nội địa tăng hơn 50%. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi nhanh của thị trường hàng không nội địa Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Có thể thấy, sự bứt phá ngoạn mục về sản lượng hàng không nội địa là minh chứng cho việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để phát triển ngành hàng không đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững, hiệu quả, an ninh, an toàn.
Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, hy vọng với đà tăng trưởng của thị trường nội địa, dự kiến tổng thị trường toàn mạng bay sẽ sớm khôi phục tương đương như trước đại dịch Covid-19.
Lan Anh