Muôn kiểu xâm hại rừng (kỳ 4): Mất rừng từ những đốm lửa

Thống kê cho thấy, rừng bị cháy do con người gây nên là một trong nhiều lý do khiến diện tích rừng bị sụt giảm.
Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 2): Người trồng rừng ‘phút chốc’ thành 'lâm tặc'Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 3): ‘Về tay doanh nghiệp’, rừng xanh trơ trụiMuôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 1): Lâm tặc hoành hành

Rừng xanh bị thiêu rụi

Do điều kiện khí hậu nên khu vực miền Trung hay xảy ra những vụ hỏa hoạn, mà phần lớn do sự bất cẩn, chủ quan của con người, để lại những hậu quả nghiêm trọng. Có thể dẫn chứng, tối 24/8/2021, 3 người đàn ông vào rừng đốt ong dẫn đến cháy rừng ở xã Thượng Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) và cháy lan sang xã Công Thành, huyện Yên Thành. Vụ cháy rừng khiến lực lượng chức năng phải khống chế trong nhiều giờ đồng hồ liền để dập tắt đám cháy.

Ngày 9/8, hai người đàn ông trú tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đi phát quang rừng. Khi đi về thì thấy tổ ong mật trên cây nên hai người này đốt lửa hun khói để lấy mật. Khi đốt xong, hai người này không dập lửa mà bất cẩn để cho ngọn lửa cháy lan.

Lực lượng chức năng đã huy động hơn 100 người để đến hỗ trợ dập lửa. Do thời tiết khô hanh, gió lớn nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 4 tiếng, đám chạy được dập tắt. Vụ cháy gây thiệt hại 2 ha rừng trồng, còn cháy lan 3 ha rừng tự nhiên.

Cũng liên quan đến câu chuyện đốt thực bì dẫn đến cháy rừng, sau đó 1 tháng cũng tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, một người dân đốt thực bì gây cháy lan 1 ha rừng.

Muôn kiểu xâm hại rừng (kỳ 4): Mất rừng từ những đốm lửa - Ảnh 1
Hàng năm có nhiều vụ cháy rừng xảy ra. (Ảnh minh họa).

Trước đó, vào đầu tháng 7/2019, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có quyết định khởi tố một cá nhân về tội vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Người này chỉ vì bất cẩn đốt rác trong khu vực gần nhà mà gây cháy 50 ha rừng phòng hộ, mất 3 ngày cơ quan chức năng mới dập tắt được đám cháy...

Luật sư Trần Văn Đăng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhìn nhận, trong trường hợp này, hành vi của đối tượng đã vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng khi sử dụng lửa ở các khu rừng dễ cháy, thảm thực vật khô vào mùa hanh khô. Với hậu quả gây cháy rừng phòng hộ với diện tích lớn, cá nhân này có thể đối diện với mức án phạt tù lên đến 12 năm.

Phòng chống cháy rừng ra sao?

Thực tế cho thấy rằng, chỉ cần một phút bất cẩn của con người đã tạo từ một “đốm lửa nhỏ” trở thành “đám cháy dữ dội” trên diện rộng. Hàng trăm ha rừng với bao nhiêu công sức bảo vệ, chăm nom và phải đến cả hàng chục năm, thậm chí đến hàng trăm năm chúng ta mới tạo nên được những cánh rừng như vậy.

Đặc biệt, hậu quả của cháy rừng còn uy hiếp và ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của các hộ dân sống ở khu vực gần rừng. Khi đám cháy đã lan rộng và chưa được kiểm soát, thì thật khôn lường. Một hệ lụy không thể không kể đến đó là việc bị mất rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ môi trường sống từ những lợi ích mà rừng mang lại.

Cuối tháng 5/2021, một vụ cháy rừng xảy ra tại Tiểu khu 689, thuộc xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đơn vị được giao rừng là Công ty TNHH MTV Tuấn Zin đã phát thực bì nhưng làm cháy lan ra diện tích xung quanh. Đang nói, việc đốt dọn thực bì này chưa được lực lượng kiểm lâm cho phép.

Vào tháng 6/2021, người dân xã miền núi Xuân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) xôn xao chuyện Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình đã cho đốt thực bì khu rừng trồng thay thế nhưng cháy lan sang rừng sản xuất của người dân và nhiều cây rừng tự nhiên.

Cơ quan chức năng xác định trong diện tích 36,52 ha bị đốt cháy, có đến 36 ha được đốt xử lý thực bì sau khai thác và 0,5 ha rừng trồng của người dân bị cháy sém.

Muôn kiểu xâm hại rừng (kỳ 4): Mất rừng từ những đốm lửa - Ảnh 2
Một khoảnh rừng ở Quảng Bình trơ trụi sau khi cháy do phát thực bì. Ảnh Nhất Linh

Ông Lê Đình Thơm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT cho rằng, việc thiếu ý thức của các đối tượng sử dụng lửa chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cháy rừng trong nhiều năm qua, chủ yếu từ các hoạt động sản xuất, kể cả việc đốt nương làm rẫy, đốt đồng ruộng… Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được kiểm soát.

Để giải quyết được vấn đề “gốc rễ” này, thực tế cho thấy, cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng cháy rừng. Tuy đây đã là biện pháp đã được các cơ quan chức năng làm thường xuyên nhưng cần được quan tâm tăng cường hơn nữa, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm thường xảy ra cháy rừng.

Xác định tuyên truyền theo hướng “mưa dầm thấm lâu” để ý thức về phòng cháy rừng, bảo vệ rừng đối với những người dân sống ở gần rừng, bìa rừng ngày càng được nâng lên, ý thức trong việc sử dụng lửa, đặc biệt trong thời kỳ thời tiết nhiệt độ cao, nắng nóng, khô hanh, gió thổi mạnh.

Trong đó, một khía cạnh cần được quan tâm đó là tuyên truyền về cách sử dụng lửa có kiểm soát. Đặc biệt, đối với những vùng sản xuất có nguy cơ, những vùng người dân thường có thói quen đốt thực bì, đốt thảm thực vật cần được quản lý chặt chẽ và có những quy chế cụ thể trong việc sử dụng lửa gần rừng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Lê Đình Thơm, với những địa phương trọng điểm thường xảy ra cháy rừng, trong chỉ đạo, Cục đã đề nghị rất rõ phải tiến hành khoanh vùng những nơi có nguy cơ cháy rừng cao, đồng thời, tại những khu vực này, yêu cầu các địa phương duy trì công tác ứng trực và tuần tra tần suất nhiều hơn.

Và để hạn chế cháy rừng xảy ra, chúng ta cần có những biện pháp mạnh, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi sử dụng lửa bất cẩn gây nên những hậu quả nghiêm trọng để mang tính răn đe. Đây chính là những bài học đắt giá cho những ai còn lơ là, chủ quan khi sử dụng lửa gần rừng, dẫn đến cháy rừng.

Theo ĐBQH Cao Thị Xuân ( Đoàn ĐBQH Thanh Hóa), thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng thì dường như tất cả đều bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người.

Nhiều người nông dân với thói quen đốt rẫy, làm nương, họ không cố tình gây ra những đám cháy lớn, nhưng họ không đủ kiến thức về phòng cháy, chữa cháy nên đã vi phạm pháp luật. Hậu quả là chúng ta mất rừng, còn những người nông dân đáng thương gây ra vụ cháy thì phải vào tù.

Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể phòng, tránh được những hậu quả đáng tiếc nếu công tác thông tin giáo dục, vận động để nâng cao ý thức của người dân.

Xuân Hòa - Hà Nam

Xem thêm

Liên kết