Ngày Trái Đất 2021: Lan tỏa nhiều hoạt động bảo vệ 'hành tinh xanh'

Ngày Trái Đất do Liên Hợp Quốc phát động, tổ chức vào ngày 22/4 hàng năm, nhằm kêu gọi các quốc gia hành động ngăn chặn những thảm họa sắp tới của biến đổi khí hậu, nguy cơ tàn phá môi trường, để "ngôi nhà chung" ngày thêm xanh.
Ngày Trái Đất 22/4: Hành động vì khí hậu Trái ĐấtNhững con số giật mình với Ngày Trái Đất vượt giới hạnTổng Thư ký LHQ cảnh báo thời gian chống biến đổi khí hậu đang cạn dầnHưởng ứng Giờ Trái Đất: Việt Nam tiết kiệm hơn 353.000 kWh điện

Sự kiện Ngày Trái Đất đầu tiên được tổ chức vào năm 1970 đã thu hút hàng triệu người dân Mỹ tham gia hưởng ứng, nhận thức về việc bảo vệ hành tinh Trái Đất.  Vào ngày 22/4/1970, khoảng 20 triệu người Mỹ (chiếm khoảng 10% dân số Mỹ vào thời điểm đó) đã xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố, cùng với các hoạt động của sinh viên được tổ chức tại khuôn viên các trường đại học để phản đối sự thiếu hiểu biết, nhận thức về môi trường và đòi hỏi một hướng đi mới  để bảo vệ hành tinh. Do đó, Ngày Trái Đất đầu tiên được ghi nhận là sự kiện khởi động thúc đẩy các phong trào bảo vệ môi trường và hiện được công nhận là sự kiện dân sự lớn nhất hành tinh.

Sự kiện Ngày Trái Đất cũng đã dẫn đến việc thông qua các luật về môi trường mang tính bước ngoặt tại Mỹ, bao gồm Đạo luật về Không khí sạch, Nước sạch và Đạo luật bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Tiếp sau đó, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã hưởng ứng và sớm thông qua các đạo luật tương tự. Năm 2016, Liên Hợp Quốc đã chọn Ngày Trái Đất là ngày để Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (Paris Agreement under the United Nations Framework Convention on Climate Change) chính thức có hiệu lực.

tm-img-alt

Ông Hay Hayes - Người đứng đầu tổ chức Ngày Trái Đất đầu tiên vào năm 1970 và cũng là đồng Chủ tịch Hội đồng quản trị của sự kiện Ngày Trái Đất cho biết, mặc dù Ngày Trái Đất có những thành công đáng kể trong việc thúc đẩy thay đổi nhận thức  và các hành động tiến bộ về vấn đề môi trường,  nhưng hiện nay Trái Đất phải đối mặt với một thách thức môi trường toàn cầu thậm chí còn khủng khiếp hơn, từ mất đa dạng sinh học đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm chất thải nhựa,… Do vậy, cần phải kêu gọi hành động ở tất cả các cấp chính quyền thực hiện những hành động sáng tạo, đổi mới để giải quyết vấn đề về khí hậu.

Bà Kathleen Rogers  - Chủ tịch Mạng lưới Ngày Trái Đất cũng cho biết: Tiến độ hành động của chương trình Ngày Trái Đất đã chậm lại, trong khi các tác động của biến đổi khí hậu gia tăng. Trong khi đó, ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu đòi hỏi một phản ứng toàn cầu thống nhất.

Để kỷ niệm Ngày Trái Đất 2021, Tổ chức vì Trái Đất kêu gọi thế giới hãy cùng các nhà lãnh đạo thế giới có những hành động để ngăn chặn những thảm họa sắp tới của biến đổi khí hậu và các nguy cơ tàn phá môi trường do chính con người gây ra; từ đó cùng nhau hành động để khôi phục Trái Đất.

Nhân Ngày Trái Đất 22/4, Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng đưa ra cảnh báo về quỹ thời gian cho thế giới giải quyết vấn đề khí hậu đang cạn dần.

Trong thông báo, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo thế giới đang bên bờ vực thẳm trong vấn đề khí hậu. Theo báo cáo "Tình trạng khí hậu toàn cầu 2020" của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), 2020 là một trong 3 năm nóng nhất được ghi nhận, với nhiệt độ toàn cầu tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Lượng khí thải nhà kính vẫn tăng bất chấp đại dịch Covid-19 làm suy giảm các hoạt động kinh tế. Mực nước biển dâng nhanh, các đợt nắng nóng khắc nghiệt, thiên tai nghiêm trọng, nhiều vụ cháy rừng...

Ông Guterres nhấn mạnh: "Năm 2021 phải là năm hành động, đây là năm quyết định tương lai của nhân loại trước những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Các quốc gia cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050. Thế giới cần hành động nhanh và nỗ lực hơn để chấm dứt cuộc chiến với thiên nhiên”.

Nhận thức rõ tính nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thời gian qua, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) năm 2015. Theo đó, các bên tham gia Thỏa thuận có trách nhiệm xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân trên cả nước, ngày 31/12/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.

Theo đó, Chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021; cả nước chung sức, đồng lòng góp sức hướng tới mục tiêu trồng mới 1 tỉ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025. Riêng năm 2021, theo kế hoạch, cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh; trong đó cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020…

Chỉ sau hơn tháng phát động, Chỉ thị bước đầu đã đạt tính lan tỏa khi nhiều địa phương đã hưởng ứng tổ chức trồng cây gây rừng; Thủ tướng Chính phủ đã có thư khen tỉnh Bến Tre là địa phương đầu tiên hưởng ứng sáng kiến tham gia trồng 1 tỉ cây xanh bằng nguồn xã hội hóa; Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời hưởng ứng lời kêu gọi thông qua hoạt động trồng mới hơn 11.000 cây xanh tại tỉnh Quảng Nam; Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp thực hiện các chương trình trồng cây xanh trên khắp mọi miền đất nước,...

Với thông điệp chung tay nhân lên màu xanh - màu của sự sinh sôi cũng đồng nghĩa với sự thịnh vượng, hướng tới “vì một Việt Nam xanh,” đến nay, chương trình 1 tỉ cây xanh đã được các tỉnh, thành phố trên cả nước hưởng ứng.

Cũng trong hôm nay, Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu. 40 nhà lãnh đạo thế giới đã được mời tham dự, trong đó có 17 quốc gia chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu tại Hội nghị này.

Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu được tổ chức theo hình thức trực tuyến, cũng đánh dấu kỷ niệm 5 năm ngày ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (12/12/2015).

Đây sẽ là cơ hội để tân Tổng thống Mỹ cam kết ý định chống biến đổi khí hậu thông qua cuộc cách mạng năng lượng sạch cho các doanh nghiệp và tạo việc làm cho người dân. Sự kiện sẽ được phát trực tiếp để công chúng theo dõi.

Hà Lan
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường