Tổng Thư ký LHQ cảnh báo thời gian chống biến đổi khí hậu đang cạn dần

Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh, thời gian đang cạn dần để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 cũng không góp phần "phanh" lại được cuộc khủng hoảng về khí hậu.
Nhiều doanh nghiệp lớn nỗ lực chung tay chống biến đổi khí hậuTổng Thư ký LHQ kêu gọi các cường quốc hợp tác chống biến đổi khí hậuChống biến đổi khí hậu để bảo vệ cội nguồn của sự sốngQuốc hội Đức chính thức thông qua gói cải cách chống biến đổi khí hậu

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ khởi xướng, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh 2021 phải là năm hành động để bảo vệ mọi người trước những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu.

Liên Hợp Quốc cảnh báo thời gian đang cạn dần một cách nhanh chóng để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và đại dịch Covid-19 cũng không góp phần "phanh" lại được biến đổi khí hậu.

Lời kêu gọi từ tổ chức đứng đầu thế giới này được đưa ra cùng một báo cáo quan trọng trước hội nghị thượng đỉnh khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì trong 2 ngày 22-23/4 dưới hình thức trực tuyến, với sự tham dự của 40 nhà lãnh đạo trên thế giới.

Theo báo cáo "Tình trạng khí hậu toàn cầu 2020" của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 19/4 cho biết năm 2020 là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận, trong khi lượng khí thải nhà kính vẫn tăng bất chấp đại dịch Covid-19 làm suy giảm các hoạt động kinh tế.

Nhiệt độ toàn cầu trong năm 2020 cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong 20 năm qua, trên toàn cầu có gần 480.000 ca tử vong có liên quan trực tiếp đến hơn 11.000 hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Thiệt hại kinh tế lên tới khoảng 2,56 nghìn tỉ đô la Mỹ (tính theo sức mua tương đương, PPP) - một lần nữa tăng hơn so với năm trước.

Cũng theo báo cáo này, Mỹ là nước chứng kiến số ca cháy rừng lớn nhất và số lượng các cơn bão nhiều nhất trong năm 2020. Riêng cơn bão Laura ngày 27/8 đã gây thiệt hại lên tới 19 tỉ USD cho bang Louisiana. Trong khi đó, Thung lũng chết ở bang California ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất thế giới trong vòng 80 năm, 54,4 độ C, cũng trong tháng 8. 

tm-img-alt
Nạn phá rừng Amazon ở bang Mato Grosso, Brazil. (Ảnh: Phys)

Trước tình trạng này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng thế giới đang bên bờ vực thẳm khi chứng kiến mức tăng kỷ lục các cơn bão nhiệt đới, sự tan chảy của các dòng sông băng, các đợt nóng kéo dài và cháy rừng.

Theo đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định báo cáo cho thấy 2020 là một năm "thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, bị thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra, tác động đến cuộc sống, phá hủy sinh kế và buộc nhiều triệu người phải rời bỏ nhà cửa."

Ông Guterres nhấn mạnh: "Năm nay phải là năm hành động. Các quốc gia cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050...Thời gian đang cạn dần để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chúng ta cần làm nhiều hơn, và nhanh hơn, ngay từ bây giờ".

Năm 2021 sẽ mở ra kỷ nguyên chống biến đổi khí hậu

Trước vấn đề cấp thiết toàn cầu hiện nay là cố gắng phục hồi bền vững sau đại dịch Covid-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, các nước phải đoàn kết và hành động một cách nhanh chóng, quyết đoán và tham vọng hơn.

Đồng thời, Tổng Thư ký Guterres đã kêu gọi mục tiêu trọng tâm trong năm 2021 là xây dựng liên minh toàn cầu về trung hòa khí thải carbon thông qua các biện pháp chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, định giá carbon, không xây dựng thêm các nhà máy điện chạy bằng than, “mạnh tay” đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, lãnh đạo các nước tham dự hội nghị đều cam kết sẽ nỗ lực để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21, so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Cùng với đó, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cũng cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon với những mốc thời gian cụ thể.

Việt Nam là quốc gia xếp thứ 6 trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, các diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước được gây ra tỉ lệ tử vong và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng rất cao, chẳng hạn như trường học và trung tâm y tế, và tác động xấu đến sinh kế của nhóm dân số thiệt thòi ở thành thị và nông thôn.

Việt Nam đã ký và phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Để triển khai thực hiện Thỏa thuận này, Việt Nam đã cập nhật và gửi Ban Thư ký Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg. NDC cập nhật của Việt Nam thể hiện các cam kết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia ở cấp chiến lược. Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu đề ra các nhiệm vụ chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu thực hiện những cam kết đóng góp được nêu trong NDC cả về trung hạn và dài hạn.

Ngọc Ánh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường