27 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người đã trở thành người vô gia cư khi đám cháy rừng được ví là “quái vật” thiêu rụi hơn 10,3 triệu hecta (tương đương 25,5 triệu mẫu Anh), một khu vực có diện tích bằng Hàn Quốc.
Khi nhiệt độ bắt đầu tăng lên, chính quyền ở bang Victoria đã khẩn khoản yêu cầu người dân chuyển đến những khu vực an toàn hơn.
“Chúng tôi đã gửi một cảnh báo khẩn cấp, gửi tin nhắn cho 240.000 người, hầu hết ở phía Đông của bang Victoria. Nếu bạn có thể ra ngoài, bạn nên ra ngoài, bạn không nên ở vùng hẻo lánh và có rừng của bang”, ông Andrew Andrew Crisp, ủy viên quản lý khẩn cấp của bang Victoria nói với Tổng công ty phát thanh truyền hình Australia.
Theo dự báo, nhiệt độ sẽ tăng trên 40 độ C ở một số vùng của Australia vào ngày 10/1, đe dọa sẽ làm lan rộng mùa cháy rừng vốn đã phá hủy gần 2.000 ngôi nhà.
Hơn 150 đám cháy rừng vẫn còn trên khắp đất nước và các nhà chức trách lo ngại một cơn gió Nam ập đến trong ngày sẽ thổi bùng ngọn lửa và thay đổi hướng của nhiều đám cháy.
Bản thân những cơn gió này đủ mạnh để được xếp vào loại gây thiệt hại và dự báo sẽ quét qua các thành phố Sydney, Melbourne và Adelaide.
Các khu vực của đảo Kangaroo, một điểm du lịch với nhiều loài động vật hoang dã độc đáo ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam một lần nữa được sơ tán và một thị trấn bị chia cắt khi lửa bao trùm con đường duy nhất. Một phần ba hòn đảo có rừng rậm này đã bị biến thành tro.
Các vụ cháy rừng ở Australia là một trong những thảm họa cháy rừng kinh hoàng xảy ra trên khắp thế giới. Tổng số các vụ cháy rừng trong năm 2019 ở California, Mỹ, ở Brazil và Indonesia vẫn chiếm chưa bằng một phần hai diện tích bị cháy ở Australia.
Các nhà sinh thái học tại Đại học Sydney ước tính 1 tỉ động vật đã bị chết hoặc bị thương trong các vụ cháy rừng.
Đàn bò đứng trên khu vực với ngọn lửa đang cháy gần đó ở đảo Kangaroo, Australia vào ngày 9/1/2020. |
Chính phủ Australia cho rằng không có mối liên hệ trực tiếp giữa biến đổi khí hậu và các vụ cháy rừng nghiêm trọng ở nước này.
Dưới đây là một số điểm nóng về cuộc khủng hoảng cháy rừng đang xảy ra ở Australia:
Có 46 đám cháy rừng đang bùng phát trên khắp New South Wales (NWS), với khoảng 18 vụ không rõ nguyên nhân.
Tại NSW, tất cả những cảnh báo đều ở mức thấp nhất là "Advice" (Tư vấn).
Bang Victoria đã có 43 vụ cháy rừng, hai trong số đó nghiêm trọng đến mức các lệnh sơ tán đã được ban hành, 2 đám cháy nữa đang ở mức độ khẩn cấp.
Ở bang Nam Australia, 9 đám cháy rừng đang bốc cháy, một trong số đó đang ở mức khẩn cấp.
Các nhà chức trách đã cảnh báo rằng các đám cháy lớn, được thúc đẩy bởi nhiệt độ cao, gió và hạn hán kéo dài ba năm, sẽ tồn tại cho đến khi có lượng mưa đáng kể. Tuy nhiên, cơ quan thời tiết cho biết không có dấu hiệu về mưa trong nhiều tháng.
Moody’s Analytics cho biết thiệt hại do các vụ cháy rừng ở Australia gây ra có thể cao hơn thiệt hại từ vụ hỏa hoạn “Thứ bảy đen tối” từng gây ra hồi năm 2009 – thảm họa phá hủy 450.000 hecta (1,1 triệu mẫu Anh) đất và thiệt hại khoảng 4,4 tỉ đô la Australia.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã cam kết chi 2 tỉ đô la Australia (1,4 tỉ USD) cho Cơ quan phục hồi cháy rừng quốc gia mới được thành lập.
Khoảng 100 lính cứu hỏa từ Mỹ và Canada đang trợ giúp Australia với 140 người khác dự kiến đến trong vài tuần tới.
“Các đám cháy đã thải ra 400 megaton CO2 và tạo ra các chất gây ô nhiễm có hại”, chương trình giám sát Copernicus của Liên minh Châu Âu cho biết.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ, khói đã bay khắp Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến các thành phố ở Nam Mỹ và có thể đã đến Nam Cực.