Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa

Sau 3 năm thực hiện, dự án "Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa" đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, 5 mô hình quản lý rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ hiệu quả đã được phát triển tại 5 thành phố.
Mô hình xanh "biến rác thải thành tiền" từ các đoàn tàu đánh cáGắn rác thải với trách nhiệm của nhà sản xuất: Nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn Việt Nam'Biến rác thải thành điện năng', xu hướng đang lan rộng trên toàn cầu'Rác thải thời đại 4.0' đang được Việt Nam xử lý thế nào?

Xây dựng 5 mô hình quản lý rác thải sinh hoạt hiệu quả

Nhiều chuyên gia cho rằng, thực hiện kinh tế tuần hoàn có thể xem là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp, đô thị, thay đổi về tiêu dùng và lối sống. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu đang bị đứt gãy do giãn cách xã hội, thực hiện kinh tế tuần hoàn còn đang được xem xét như là một trong những giải pháp góp phần phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.

Mới đây, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội phối hợp tổ chức tổng kết dự án Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, và Bình Dương.

Theo đó, Dự án nhằm xây dựng các mô hình tích hợp quản lý rác thải sinh hoạt và nhựa cấp địa phương tại một số khu vực trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, và Bình Dương. Tại đây, các tổ chức địa phương như Hội nông dân và Hội phụ nữ xây dựng và triển khai mô hình cộng đồng phân loại, thu gom, tái chế rác và làm phân compost. Ngoài các mô hình tại 05 thành phố, Dự án cũng đã hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thông qua việc hoàn thiện chính sách và kêu gọi các bên tham gia thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Nhân rộng mô hình quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa trong cộng đồng - Ảnh 1
Viết miêu tả ảnh ở đây

Sau 3 năm thực hiện, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và những hạn chế đi lại, dự án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, 5 mô hình quản lý rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ hiệu quả đã được phát triển tại 5 thành phố.

Nhận thức của người dân và sự tham gia của các bên liên quan trong việc giảm lượng nhựa sử dụng một lần và tăng cường quản lý rác đã tăng lên 40%. Hơn 100 quy định với doanh nghiệp về sản xuất và tiêu thụ nguyên vật liệu bền vững đã được thông qua. Hơn 100 tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã cam kết không sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần. Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam được đồng thành lập và thực hiện bởi UNDP và Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE). Năng lực thể chế của chính quyền địa phương và các bên liên quan đã được nâng cao thông qua việc áp dụng phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó, dự án đã hỗ trợ tổ chức 35 khóa đào tạo cho hơn 1.800 công nhân xử lý rác thải phi chính thức (những người nhặt ve chai, kinh doanh phế liệu...), chủ yếu là phụ nữ và thành lập 5 quỹ tín dụng nhỏ giúp cho thu nhập tăng lên ít nhất 20% so với trước khi thực hiện dự án.

Phát biểu tại buổi Hội thảo tổng kết, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP cho biết: “Công nhân xử lý chất thải, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý chất thải và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Họ dễ bị tổn thương và chịu một số rủi ro, chẳng hạn như khi thu gom rác thải sẽ có khả năng tiếp xúc với vật liệu độc hại và chất thải y tế.

Do đó, điều cần thiết là công nhân xử lý chất thải cần phải được bảo vệ, hỗ trợ các trang thiết bị cơ bản, được đào tạo nâng cao nhận thức, đồng thời cũng cần được nhận diện rõ ràng trong hệ thống quản lý chất thải. Chúng tôi đã hỗ trợ tổ chức hơn 35 khóa đào tạo cho hơn 1.800 công nhân xử lý rác thải phi chính thức, chủ yếu là phụ nữ và thành lập năm quỹ tín dụng nhỏ, tất cả điều này dẫn đến thu nhập của họ tăng lên ít nhất 20% so với trước dự án".

Thiết lập mạng lưới kinh tế tuần hoàn

Thực tế hiện nay, quản lý chất thải đã trở thành một mối quan tâm lớn ở Việt Nam, khi lượng chất thải phát sinh đang gia tăng với tốc độ rất lớn. Việt Nam cũng đã trở thành nước sản xuất và tiêu thụ nhựa lớn, với những hậu quả tiêu cực tức thì về ô nhiễm biển, phúc lợi của người dân, và đối với ngành du lịch và ngư nghiệp.

Tuy nhiên, hiện 70% lượng rác thải tại Việt Nam được xử lý tại các bãi chôn lấp, nơi việc thực hiện các tiêu chuẩn môi trường còn hạn chế; trong khi phần còn lại bị đốt cháy hoặc thải bỏ trong tự nhiên, phần lớn cuối cùng đổ ra biển.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP/GEF SGP (Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu), cho hay tại mỗi tỉnh, Dự án đã triển khai những mô hình hiệu quả. Tại Quảng Ninh, đã xây dựng mô hình cộng đồng quản lý phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long.

Ở Đà Nẵng, xây dựng mô hình quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Ở Bình Định, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã, phường ven biển thuộc Vịnh Quy Nhơn.

Với Bình Thuận, đã kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương, với mô hình Tàu cá tại cảng Phan Thiết của thành phố Phan Thiết, cảng Liên Hương bến cá Hà Phong và tàu du lịch Hòn Cau… Tại Bình Dương, đã tổng hợp nguồn lực xã hội nhằm giảm thiểu rác thải thành phố Dĩ An.

"Hơn 100 thực hành về sản xuất và tiêu dùng bền vững được ghi nhận và triển khai qua các khóa tập huấn; 20 doanh nghiệp được đào tạo về kinh tế tuần hoàn, tại doanh nghiệp của mình. Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam được thành lập với hơn 20 thành viên và tiếp tục được mở rộng từ UNDP, Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), VCCI, các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học…", ông Hoàng Thành Vĩnh, cán bộ chương trình của UNDP Việt Nam khẳng định.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2021 -2030, Đảng và Nhà nước đã xác định việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng quan trọng của đất nước. Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên 3 trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái. Để phát triển kinh tế tuần hoàn, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam…

Chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Đó là cách tốt nhất để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, hay nói một cách khác, không còn phải đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, thực hiện được đồng thời nhiều mục tiêu của phát triển bền vững. Có thể khẳng định, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng chính sách, pháp lý khá đầy đủ để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở ASEAN thể chế hóa quy định về kinh tế tuần hoàn trong Luật.

Lan Anh

Xem thêm

Liên kết