Rừng Amazon liên tục xảy ra những vụ cháy nghiêm trọng. (Ảnh: Greenpeace) |
Ngày 21/9, hàng trăm doanh nghiệp trên thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những lời kêu gọi hối thúc chính phủ các nước hành động nhiều hơn để đảo ngược tình trạng tàn phá thế giới tự nhiên, hỗ trợ các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Hơn 560 công ty với tổng doanh thu 4.000 tỉ USD, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Walmart, Citigroup, Unilever và Microsoft, đã ký vào một tuyên bố kêu gọi các chính phủ tăng cường hành động trong thập niên tới. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Liên hợp quốc dự kiến tổ chức một hội nghị cấp cao về đa dạng sinh học vào cuối tháng 9/2020.
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu hướng tới xây dựng một hiệp ước toàn cầu mới để ngăn chặn các mối nguy đối với thiên nhiên, trong đó phải kể đến các thảm họa cháy rừng gần đây ở vùng Amazon và California (Mỹ).
Trong tuyên bố, các doanh nghiệp trên nhấn mạnh: "Những xã hội vững mạnh, các nền kinh tế có khả năng chống đỡ, phục hồi sau cú sốc và các doanh nghiệp đang phát triển đều phải dựa vào thiên nhiên. Ngay từ bây giờ, chính phủ các nước cần áp dụng nhiều chính sách để đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học trong thập niên này".
Business for Nature, liên minh đưa ra tuyên bố trên, cho biết đây là lần đầu tiên có số lượng doanh nghiệp lớn như trên cùng nhau đưa ra lời kêu gọi chung, điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ sinh thái lành mạnh đối với đời sống con người. Các doanh nghiệp cùng nhau kêu gọi chung tay bảo vệ, khôi phục và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Thiên nhiên đang phải hứng chịu những hành động tàn phá nghiêm trọng của con người. Theo báo cáo của hội đồng các nhà khoa học quốc tế IPBES công bố hồi năm 2019, trong số 8 triệu loài động vật, thực vật đang tồn tại có tới 1 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng. Trong khi đó, Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) ước tính gần 70% số động vật hoang dã trên thế giới đã biến mất trong 50 năm qua, gồm nhiều loài động vật có vú, chim, cá, lưỡng cư và bò sát.