Nhu cầu và rào cản về nguồn nhân lực trong chuyển dịch năng lượng

Các chuyên gia về năng lượng nhận định, nghiên cứu công nghệ mới gắn với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những vấn đề cốt lõi nhất cho sự thành công trong chuyển dịch năng lượng bền vững ở Việt Nam.
Bài toán về nhân lực trong chuyển dịch năng lượng bền vữngViệt Nam phát triển năng lượng sạch: Cần những chính sách đột pháQuy hoạch điện VIII: Cơ chế mới thúc đẩy đột phá năng lượng Việt NamTháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạchNăm 2023 sẽ giám sát việc thực hiện chính sách về năng lượng tái tạo

Năng lượng sẽ là ngành quyết định mục tiêu Net Zero của Việt Nam

Trong thời gian gần đây, vấn đề năng lượng và điện năng trở nên vô cùng nóng trên thế giới. Vấn đề biến đổi khí hậu và nóng ấm toàn cầu đang trở nên vô cùng cấp bách. Tại COP26, đa số các nước đã cam kết cân bằng phát thải CO2 vào 2050 hoặc 2060 bằng việc chuyển đổi cơ cấu điện năng, cụ thể là dần loại bỏ nhiệt điện than, giảm dần nhiệt điện khí và khí hóa lỏng (LNG), đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và xem điện hạt nhân là nguồn điện sạch không phát thải CO2 có thể đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện. Việt Nam cũng đưa ra cam kết cân bằng carbon vào năm 2050, đây là một thách thức lớn cho một đất nước đang phát triển, có mức tăng trưởng điện năng hàng năm cao, trong khi nguồn thuỷ điện cạn kiệt.

Theo PGS.TS Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực (Bộ Công thương), Việt Nam hiện đang đối mặt với thách thức về nguy cơ thiếu hụt năng lượng, do đó cần có những giải pháp kịp thời để bảo đảm an ninh năng lượng. Quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam nằm trong xu thế chuyển dịch năng lượng của thế giới.

Là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do tác động biến đổi khí hậu, tại COP26 Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Việc phát triển, chuyển dịch năng lượng thành công đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, trong đó nghiên cứu, khai thác, điều hành hệ sinh thái năng lượng đòi hỏi sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học.

Nhu cầu và rào cản về nguồn nhân lực trong chuyển dịch năng lượng - Ảnh 1
Một trong những vấn đề trọng tâm hiện nay là phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam và trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã xác định các rào cản chính đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng tại Việt Nam như thể chế và chính sách; kinh tế và tài chính; kỹ thuật và cơ sở vật chất; đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh hiện nay chuyển dịch năng lượng là một trong những vấn đề ưu tiên thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các chính trị gia, doanh nghiệp và của toàn thể cộng đồng.

Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong lĩnh vực năng lượng, 60% lượng phát thải năm 2020 từ công nghiệp năng lượng, chủ yếu từ sản xuất điện năng. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất điện là vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể đạt các cam kết trong NDC và mục tiêu Net Zero mới. Theo Kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường (BAU) của Việt Nam, đến năm 2050, 81% lượng phát thải đến từ năng lượng. Do đó, năng lượng sẽ là ngành quyết định mục tiêu Net Zero của Việt Nam.

Để đạt mục tiêuNet Zero, theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) cho rằng, cần dừng triển khai các dự án than mới, cũng như đưa ra lộ trình tiến tới loại bỏ các dự án than hiện tại. Với xu hướng toàn cầu chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch, kỷ nguyên than đang khép lại và các dự án than mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động tài chính.

Hiện nay, công suất điện than của nước ta đạt khoảng 21,3GW, đóng góp 50% tổng sản lượng điện. Con số này còn được tăng lên 40,9GW vào năm 2030 và lên tới 50,9GW vào năm 2035 trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới đây được Bộ Công Thương xây dựng. Đặc biệt, với 15,8GW công suất nguồn điện ước tính chưa thu xếp được tài chính ở Dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ là thách thức không nhỏ khi Việt Nam đã đưa ra mục tiêu Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 do đã có hơn 100 tổ chức tài chính đã thông báo rút khỏi các dự án khai thác than và nhà máy điện than để thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon.

Nhu cầu và rào cản nguồn nhân lực

Tại Hội thảo quốc tế “Chuyển dịch năng lượng: Đào tạo nhân lực, Nghiên cứu và Công nghệ”, các chuyên gia đã bàn luận và làm rõ thêm các vấn đề như: Phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam và trên thế giới; Lưới điện thông minh; Chuyển đổi số trong hệ thống điện; Tự động hóa hệ thống điện; Năng lượng tái tạo và tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện…

Thực tế cho thấy, quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam có thể cần khoảng 1,61 đến 1,93 triệu lao động. Cùng với đó, quá trình chuyển dịch này sẽ góp phần tạo ra 315.000 việc làm mỗi năm tại các đơn vị sản xuất điện mặt trời, điện gió và sinh khối trong giai đoạn đến 2030. Từ đó, cơ hội việc làm sẽ có khả năng gia tăng khi tỷ trọng năng lượng tái tạo đang từng bước thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Trong bối cảnh đó, sự gia tăng các nhà máy, công trình năng lượng tái tạo đã kéo theo nhu cầu đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực có chuyên môn cho thị trường lao động ngành năng lượng tái tạo. Việc này đang tạo cơ hội đào tạo sinh viên ngành năng lượng tái tạo của nhiều trường đại học, cũng như lao động trẻ với cơ hội việc làm cho các nhà máy, dự án đầu tư, phát triển NLTT.

Trong đó, số lượng các cơ sở đào tạo ngành học liên quan đến năng lượng và năng lượng tái tạo còn tương đối hạn chế, chiếm tỷ trọng tương đối thấp trong tổng số hơn 460 trường ĐH, CĐ tại Việt Nam (bao gồm ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Điện lực, ĐH Việt Pháp, ĐH Công nghệ, ĐH Công nghiệp, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH Cần Thơ...).

Hiện mỗi năm các trường đại học trên đều có những phương án tuyển sinh khá đa dạng. Tuy nhiên, sự non trẻ và kém hấp dẫn của một ngành đào tạo mới khiến sinh viên chưa quan tâm chọn học. Thêm vào đó, cũng do là ngành đào tạo còn mới mẻ nên hầu hết các trường đại học chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, hạn chế trong kết nối thực hành tại các cơ sở ngoài thực tiễn, chương trình giảng dạy chưa thực sự đa dạng và phong phú nên chưa hấp dẫn người học.

Chính vì thế, dù Việt Nam có 460 trường đại học và cao đẳng, nhưng những trường tham gia đào tạo nhân lực cho ngành NLTT chỉ là con số nhỏ và lượng sinh viên theo học cũng khá hạn chế.

Mặt khác, trong xu hướng đào tạo, chuẩn bị nhân lực cho ngành NLTT được thực hiện khá cục bộ và thiếu tính lâu dài. Cụ thể, để phục vụ cho các dự án, các nhà máy hoạt động trong ngành NLTT, nhân lực ngành điện truyền thống thường được luân chuyển làm việc cho các dự án NLTT. Về chuyên môn, chủ yếu được cử đi các khóa học ngắn hạn do chuyên gia nước ngoài hoặc một số các chuyên gia trong nước phối hợp đào tạo.

Bên cạnh đó, quy mô đào tạo và tốc độ phát triển và tuyển sinh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới là tương đối khiêm tốn chưa đáp ứng kịp nhu cầu nhân lực. Chi phí đầu tư cho công tác đào tạo lĩnh vực năng lượng là tương đối cao, thiếu hạ tầng phục vụ cho các chương trình đào tạo. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu phát triển, sáng chế công nghệ, ứng dụng mới trong năng lượng tái tạo tương đối hạn chế.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trong các chiến lược phát triển khoa học từ nay đến năm 2030, vấn đề xây dựng được đội ngũ có trình độ khoa học để phát triển năng lượng sẽ được xem là một trọng tâm.

Cùng đó là vấn đề giáo dục, tuyên truyền tới cộng đồng, doanh nghiệp về năng lượng xanh, vai trò của việc chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo đối với kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, các lĩnh vực sẽ được ưu tiên tập trung đào tạo gồm đào tạo nhân lực cho xây lắp vận hành các dự án điện gió, chế tạo pin tích trữ năng lượng, vận hành lưới điện thông minh.

Lan Anh