Nỗ lực đưa bảo vệ môi trường trở thành một trong ba trụ cột phát triển bền vững đất nước

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT, phải lấy vai trò của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường; đưa môi trường thực sự trở thành một trong ba trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ô nhiễm không khí, nguồn nước: Cuộc khủng hoảng với môi trườngĐặc điểm và phân loại công cụ kinh tế môi trườngĐảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia: Quyết sách lớn cho sự phát triển bền vữngKinh tế biển là trọng tâm phát triển bền vững trong tương lai

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 có nhiều điểm mới tạo đột phá trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường với phương châm không đánh đổi môi trường bằng sự tăng trưởng và phát triển kinh tế trước mắt và đã có nhiều biện pháp, chính sách cụ thể phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước được Đảng, Nhà nước quan tâm định hướng.

Xuyên suốt nội dung của Luật là các quan điểm bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể hóa những điểm mới được đặt ra trong Luật, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được xây dựng với sự nỗ lực của Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học.

Nỗ lực đưa bảo vệ môi trường trở thành một trong ba trụ cột phát triển bền vững đất nước - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân.

“Phải lấy vai trò của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường; đưa môi trường thực sự trở thành một trong ba trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.

Thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc về trình độ khoa học và công nghệ, góp phần định hình các mô hình tăng trưởng mới; mở ra nhiều cơ hội cho việc thay đổi phương thức quản lý môi trường theo hướng hiện đại hơn, thích ứng với những thay đổi nhanh của thực tiễn cuộc sống.

Đặc biệt thách thức là quan hệ hợp tác quốc tế trên thế giới cũng đang có những thay đổi sâu sắc. Sự cọ xát và cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, quyết liệt và có tác động sâu rộng; các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng.

Trong đó, cạn kiệt tài nguyên, nhất là năng lượng và nguồn nước đang là vấn đề nổi trội, tác động tới an ninh và phát triển của nhiều nước, nhiều khu vực. Nhu cầu về tài nguyên của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế của các nước đang phát triển sẽ tăng vọt dẫn tới việc cạnh tranh các nguồn tài nguyên vốn đã gay gắt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải sớm có những thay đổi về chính sách bảo vệ môi trường để thích ứng.

Mặc dù đã đạt những thành tựu đáng khích lệ nhưng môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải.

Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng tại các lưu vực sông, làng nghề và đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị, thành phố lớn. Điều đó đòi hỏi cần có sự bổ sung, hoàn thành các quy định, công cụ pháp lý để kiểm soát, quản lý có hiệu quả chất lượng các thành phần môi trường, tiệm cận với quy định pháp lý của các nước trên thế giới, bảo đảm người dân Việt Nam phải được sống trong môi trường trong lành.

Từng bước cụ thể hóa chính sách môi trường

Mới đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hơn đối với các công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn để điều chỉnh hành vi của tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại cho môi trường và được hưởng lợi từ môi trường dựa trên những nguyên tắc của thị trường.

Nỗ lực đưa bảo vệ môi trường trở thành một trong ba trụ cột phát triển bền vững đất nước - Ảnh 2
Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều điểm mới tạo đột phá trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, những cơ chế tài chính khác được hoàn thiện, bổ sung thêm trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 như Quỹ bảo vệ môi trường, mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh để tạo ra một cơ chế khá đầy đủ hướng đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường và người dân có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường thông qua các công cụ kinh tế và cơ chế tài chính.

Với mục đích xây dựng Luật Bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất và khả thi, khắc phục sự phân tán, chồng chéo; thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giải quyết được các vấn đề cấp bách về môi trường đang đặt ra, bảo đảm tăng cường các biện pháp quản lý, đầu tư cải thiện chất lượng môi trường.

Một số điểm mới của Luật như cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.

Điểm mới nữa của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là cắt giảm thủ tục hành chính; định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước. Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.

Ngoài ra, phát triển kinh tế bền vững thông qua việc thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải các-bon, đầu tư vào vốn tự nhiên đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế của các nước trên thế giới hiện nay, nhất là các nước đang phát triển.

Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, bổ sung chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường. Với nhiều chính sách mới mang tính đột phá, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến lớn trong công tác bảo vệ môi trường tại nước ta.

"Thực tế rút ra rất nhiều bài học đắt giá về ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 chính là một lời cảnh tỉnh sâu sắc về việc phải quan tâm đến môi trường sống và sức khỏe con người, đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế cộng đồng, luôn sẵn sàng để đối phó với các dịch bệnh khó lường trong tương lai.

Trong chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia, Việt Nam luôn xác định không đánh đổi môi trường cũng như sức khỏe của người dân để lấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, mà luôn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Lan Anh (T/h)