Ô nhiễm không khí, nguồn nước: Cuộc khủng hoảng với môi trường

Thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, khủng hoảng đối với môi trường, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Từ đó, cần thiết xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên sức khỏe cộng đồng.
10 quốc gia, thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2020Hà Nội mạnh tay xử lý, cải tạo nhiều khu vực gây ô nhiễm môi trườngĐặc điểm và phân loại công cụ kinh tế môi trườngKhai thác và sử dụng năng lượng hủy hoại môi trường như thế nào?

Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức môi trường

Phát biểu tại Hội thảo “Tác động của ô nhiễm môi trường đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người” mới đây, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, khủng hoảng đối với môi trường, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Trong một thời gian dài, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho các hoạt động phát triển đã làm cho môi trường bị ô nhiễm và các hệ sinh thái trên toàn thế giới bị suy thoái.

Theo Báo cáo đánh giá về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái toàn cầu của Diễn đàn liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được xây dựng năm 2019, đa dạng sinh học có tầm quan trọng với con người, cung cấp 18 dịch vụ cơ bản trên toàn cầu để duy trì các hoạt động sống và phát triển của con người. Tuy nhiên, 14 trong 18 đóng góp này của thiên nhiên đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ độ che phủ rừng trên toàn cầu đã giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn 1990-2015. Hệ sinh thái rạn san hô được đánh giá là có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, hiện đã giảm 35% trong thời gian từ 1970 - 2015 và 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng.

Phân tích tác động của ô nhiễm không khí đến đa dạng sinh học, TS Phạm Thị Hải Hà (Đại học Xây dựng Hà Nội) thông tin những năm 2010 môi trường không khí Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do các nhà máy nung gạch ngói, xi măng.

Các chất bụi PM 2.5, PM 10, SO2, NO2, CO do các nhà máy này gây ra đã tác động rất lớn đến hệ sinh thái nông nghiệp ở các vùng xung quanh. Ngoài ra, các chất ô nhiễm không khí đi vào khí quản của động vật gây tắc nghẽn hô hấp, suy giảm miễn dịch. Các chất SO2, NO2 dưới tác dụng của bức xạ và hơi nước gây mưa axit khiến các loài sinh vật chết.

9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém

Nguồn nước và không khí ô nhiễm tác động cực kỳ xấu đến sức khỏe. Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, các con sông, suối, hồ chứa, hồ và biển đang dần nhiễm các loại hóa chất, chất thải nhựa và rất nhiều chất gây ô nhiễm khác. Đây là lý do mà nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người cũng như các loài động thực vật.

Ô nhiễm không khí, nguồn nước: Cuộc khủng hoảng với môi trường - Ảnh 1
Nguồn nước và không khí ô nhiễm tác động cực kỳ xấu đến sức khỏe. (Ảnh: KT)

Kết quả quan trắc giai đoạn 2016-2020 cho thấy lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có chất lượng môi trường nước sông thường xuyên ở mức kém, có tới 62% điểm quan trắc cho kết quả chất lượng nước ở mức xấu trở xuống (WQI<50), trong đó 31% số điểm quan trắc cho kết quả ở mức ô nhiễm nặng (WQI<25).

Việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm, con người dễ bị nhiễm chì, hay gặp nhất là các bệnh về thận, thần kinh, nhiễm amoni làm da xanh, cơ thể thiếu sức sống; nhiễm Natri gây bệnh về cao huyết áp, tim mạch; nhiễm Cadimi có thể gây đau lưng, thoái hóa cột sống; nhiễm độc các hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản thực vật gây cảm giác nôn ói hoặc ngộ độc.

Thống kê từ Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, có đến 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém. Có khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước. 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém. Khảo sát 37 xã mang tên "làng ung thư" đã có 1136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra còn có 380 người các xã lân cận cũng chết bởi ung thư.

Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước, đất do phát triển công nghiệp và nông nghiệp không được kiểm soát. Các chất độc, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải y tế đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Ô nhiễm không khí do công nghiệp, nhiệt điện và giao thông phát triển quá nhanh dẫn đến các bệnh hô hấp, dị ứng tăng nhanh ở đô thị.

Cùng với ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước cũng tác động nghiêm trọng đến đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Theo GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, khi ô nhiễm nguồn nước xảy ra, sự gia tăng của các chất dinh dưỡng mới có trong nguồn nước sẽ kích thích sự phát triển của cây và tảo, làm giảm đáng kể oxy trong nguồn nước. Sự thiếu oxy này sẽ làm chết các loài thực vật và động vật có trong nguồn nước và tạo ra vùng chết, nơi mà các nguồn nước không có sự sống của sinh vật. Ngoài ra, hóa chất và kim loại nặng từ nước thải công nghiệp, đô thị cũng làm ô nhiễm nguồn nước, gây độc hại đối với sinh vật có trong nguồn nước, làm giảm khả năng sinh sản cũng như tuổi thọ của sinh vật.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD), nguyên cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế.

Tác hại là bụi PM 2.5 vào phổi, qua đường dẫn khí như phế quản, tiểu phế quản sẽ đi sâu vào từng túi phổ gây viêm nhiễm đường hô hấp, suy giảm chức năng phổi. Hệ quả là các bệnh liên quan như đột quỵ, giảm IQ, các bệnh ở hệ thần kinh trung ương, rối loạn nhịp tim, đông cứng mạch máu, cao huyết áp, ung thư phổi... Năm 2017, ô nhiễm môi trường đã giết chết 71.300 người Việt Nam.

"Độc chất trong không khí xâm nhập chủ yếu bằng đường thở (đặc biệt là phổi với khả năng trao đổi chất cao qua và nhiều mạch máu nhỏ) gây viêm phế quản, viêm phổi, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, mạch vành, suy thận, gan, nghễnh ngãng, giảm trí nhớ, ung thư…".

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách môi trường

Bàn về các giải pháp, TS Nguyễn Huy Nga kiến nghị cần có một cuộc điều tra tổng thể về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường lên sức khỏe cộng đồng. Từ đó sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu và lập bản đồ "nóng" về các khu vực nguy cơ cao cho sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra cần xây dựng các chỉ số đánh giá nguy cơ sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm môi trường và do biến đổi khí hậu. Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng (ví dụ các quy chuẩn ô nhiễm không khí xung quanh) phù hợp với các tiêu chuẩn của WHO.

Đặc biệt, cần thiết phải ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về không khí trong nhà. Thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên sức khỏe cộng đồng. Củng cố hệ thống y tế dự phòng để đáp ứng các nguy cơ sức khỏe cộng đồng do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, nhằm giảm thiểu tác hại của ô nhiễm môi trường không khí đối với đa dạng sinh học, sức khỏe con người, các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí, trước hết là xây dựng và ban hành Luật Không khí sạch, hoàn thiện và thực thi triệt để các chính sách pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các quy định pháp luật về BVMT không khí. Đặc biệt là triển khai hiệu quả Chỉ thị số 3/CT-TTg, ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí.

Để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, Nhà nước, chính quyền các cấp cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, tiếp tục ban hành các chính sách, quy định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt tập trung.

Lan Anh (T/h)