Nông nghiệp hữu cơ trên thế giới hiện đang có xu hướng phát triển khá nhanh. Nông nghiệp hữu cơ hay còn gọi canh tác hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp luân canh chủ yếu dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ, như: phân từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn, bột xương,… tăng độ phì nhiêu cho đất bằng nhóm cây trồng có tác dụng cải tạo đất. Nhấn mạnh vào các kỹ thuật luân canh giống cây trồng, kiểm soát dịch hại sinh học, sử dụng xen canh cây trồng khắc chế dịch hại, hoặc khuyến khích sự tồn tại động vật là thiên địch của sâu bệnh dịch hại.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng để phục hồi, duy trì hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng là một sản phẩm bổ dưỡng, tươi ngon để phục vụ đời sống người tiêu dùng.
Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất duy trì được lâu dài sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Xu hướng này dựa trên việc khai thác hợp lý các quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và các chu trình khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, thay vì chỉ hướng đến sử dụng vật liệu tổng hợp từ bên ngoài. Hệ thống này hướng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và làm cỏ bằng biện pháp cơ học.
Với phương thức canh tác làm việc với chu trình tự nhiên, bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững nền nông nghiệp.
Để phát triển theo hướng “xanh” đang đòi hỏi có sự thay đổi về nhận thức và thực tiễn hành động từ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi phương thức sử dụng năng lượng, xây dựng các thể chế, chính sách mới cho đến thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, các địa phương sẽ căn cứ vào điều kiện, lợi thế của mình để lựa chọn những lĩnh vực phát triển và xác định bước đi phù hợp. Các địa phương có tiềm năng về nông nghiệp sẽ chú trọng các mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái gắn liền với việc xây dựng người nông dân hiện đại, nông thôn văn minh, theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nền nông nghiệp nước ta đã và đang từng bước chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nền nông nghiệp công nghệ cao, trách nhiệm, sinh thái, bền vững... Theo đó, những mô hình nông nghiệp xanh đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn, góp phần giải quyết câu chuyện “giải cứu nông sản”.
Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, đây là câu chuyện bắt buộc các ngành phải làm, phải tư duy để phát triển. Trong đó, riêng ngành nông nghiệp bây giờ không dựa trên sản lượng mà cần dựa trên sự phát triển bền vững.
“Tư duy về tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp khi đầu tư cho sự phát triển môi trường sẽ tạo ra chất lượng của nông sản, thương hiệu nông sản, thương hiệu ngành nông nghiệp, thương hiệu của một địa phương, thương hiệu của một quốc gia. Thương hiệu đó sẽ trở lại, tạo ra một giá trị gia tăng cho nông sản cho sản phẩm của quốc gia. Ngành nông nghiệp đã quen tư duy đeo đuổi sự phát triển dựa trên sản lượng; bây giờ cần phải thay đổi tư duy phát triển dựa trên sự bền vững, tư duy tập thể cùng hành động tập thể, cùng một mức độ ở 63 tỉnh, thành trong cả nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ.
Nguyễn Linh (T/h)