Trong buổi tọa đàm, giới chuyên gia đã nhận định, ô nhiễm môi trường là một tác nhân làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng phát triển kinh tế. Riêng vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam, mỗi năm gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD, tương đương 5% - 7% GDP. Tương tự, ô nhiễm nguồn nước cũng ngốn khoảng 3,5% GDP.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế - Môi trường Việt Nam cho biết: Mặc dù là quốc gia nhỏ nhưng Việt Nam có tỷ lệ xả rác thải nhựa ra đại dương đứng thứ 4 thế giới với khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Điều này đã tác động không nhỏ cho ngành vận tải biển, kinh tế biển, thủy hải sản;....
Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề trọng tâm được Đảng và Chính phủ đề ra trong việc phát triển kinh tế gắn bó với sự phát triển kinh tế, xã hội trong nhiệm kỳ đại hội XII (giai đoạn 2016-2020).
Xác định mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu quan trọng đặt ngang bằng như an ninh, quốc phòng, kinh tế xã hội, phát triển kinh tế tri thức.
TS Nguyễn Văn Phương, Trưởng bộ môn Luật Môi trường, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, kinh tế và môi trường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tại các quốc gia phát triển, kinh tế thường đồng hành với việc bảo vệ môi trường. Đây được gọi là nền kinh tế xanh.
Trong khi đó, tại Việt Nam, quá trình phát triển kinh tế lại không đi đôi với bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện qua chất lượng không khí, chất lượng nước luôn trong tình trạng báo động. Có thể tạm gọi, nền kinh tế Việt Nam chưa “xanh” như tiêu chuẩn của thế giới.
Hiện tại, Việt Nam có nhiều bộ luật điều chỉnh mối quan hệ giữa kinh tế xã hội và môi trường, thể hiện sự gắn kết giữa phát triển kinh tế và giải quyết môi trường.
Trong đó, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo; Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Thủy sản 2017; Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã giải quyết được mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn đó là quá trình thực hiện, cơ chế tổ chức thực hiện những quy định trong các quy định pháp luật, văn bản dưới luật.
Theo ông Phương, nền kinh tế xanh có rất nhiều định nghĩa khác nhau, tuy nhiên tất cả đều hướng đến một nền kinh tế không rác thải. Để hướng đến một nền kinh tế xanh các nước thường qua một bước trung gian là kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn hướng đến việc sử dụng nguyên liệu càng ít càng tốt.
Về pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường 1993 đã nhắc đến nhưng mãi đến Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới đưa vào tại điều 142.
Tại Việt Nam sắp tới, luật mới có hiệu lực theo khoản 1, điều 142 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Ở Đức, khoảng 1996 – 2000 vấn đề này đã được vào luật, và rất cụ thể. Giữa 2 nền kinh tế Việt Nam ở Đức rất khác nhau.
“Trong tương lai, khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được đưa vào thì 5 – 10 năm tới sẽ tạo ra hình hài về nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, ông Phương nói.
Trong khi đó, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá: Việc sử dụng tài nguyên, Việt Nam cần có phương án cụ thể.
Đối với tài nguyên tái tạo phải có phương án tận dụng, tài nguyên không tái tạo được phải nghiên cứu nguồn tài nguyên thay thế, để duy trì phát triển bền vững.
Trong kinh tế môi trường, luôn có sự hỗ trợ, về kinh tế luôn sử dụng những công cụ như: Thuế, phí, trợ giá…, sau đó áp dụng sang môi trường, để quản lý.
“Định lượng môi trường, kinh tế môi trường tạo ra các biện pháp tạo ra lợi ích về môi trường, tính ra được những con số chi tiết về môi trường thực tế, để có những phương án điều chỉnh cho phù hợp. Từ đó đánh giá được sự hiệu quả của kinh tế môi trường”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho biết.
Lâm Vũ