‘Phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt’

Trong bài phát biểu tại Hội nghị P4G, của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Kinh tế tuần hoàn ‘cánh cửa’ đưa Việt Nam tới phát triển bền vữngTS Lê Đình Nghị: Kinh tế tuần hoàn hội tụ nhiều lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vữngTW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam với tầm nhìn thời đại hướng đến nền kinh tế xanh

Tối 31/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) dưới hình thức trực tuyến.

Chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thế giới đang trải qua những tác động cộng hưởng với mức độ và quy mô chưa từng có của ba thảm họa là đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, chưa tính đến sự già hóa dân số ở nhiều quốc gia; để lại các hệ lụy to lớn, nhiều mặt, không chỉ hiện nay mà còn với các thế hệ tương lai.

tm-img-alt
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G). (Ảnh: Báo Chính Phủ)

Tuy nhiên, chính đại dịch và những khó khăn, thách thức cũng để chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên; và là động lực để thúc đẩy chúng ta vượt qua, khẳng định mình trưởng thành hơn. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần đồng lòng chung sức giải quyết hài hòa giữa nhu cầu cấp bách phục hồi kinh tế với yêu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững hơn thời kỳ hậu Covid-19. Đây vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển của mọi quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và đề xuất 6 giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Trong đó, khuôn khổ chung là Các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Phương châm là chuyển đổi tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận thực tế từ bị động ứng phó các thách thức sang kết hợp một cách hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa ứng phó với chuyển đổi phát triển kinh tế xanh, để không có sự đảo lộn gây hiệu ứng “sốc”.

Thứ hai, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia. Các nước phát triển cần tiếp tục tiên phong thực hiện cam kết về giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thể chế cho các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Thứ ba, quan tâm xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh; hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới thông qua xanh hóa sản xuất công - nông nghiệp và dịch vụ.

Thứ tư, nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có Khu vực Tiểu vùng sông Mê Công và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Những thách thức nghiêm trọng ở những nơi này đang rất cần sự hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhất là trong việc quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước của khu vực và thế giới.

Thứ năm, để phục hồi, trở lại tăng trưởng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch COVID-19. Nỗ lực của mỗi quốc gia là yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng sự hợp tác quốc tế hiệu quả là không thể thiếu được; như chia sẻ sự mất mát về tinh thần và vật chất; chia sẻ về công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vaccine; tạo điều kiện cho đầu tư, thương mại quốc tế, hợp tác đi lại, vận chuyển con người và hàng hóa giữa các quốc gia, nhất là không bị đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ sáu, trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia cần nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung của toàn nhân loại, bảo đảm môi trường quốc tế, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, có lợi cho việc phục hồi kinh tế và hợp tác quốc tế.

Mục tiêu “kép” của Việt Nam

Đối với Việt Nam, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm phát triển hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo đó, lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, trong đó có phát triển xanh.

“Chúng tôi kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững; và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh trong bài phát biểu. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết là thành viên của tất cả các thỏa thuận quốc tế chính về môi trường và biến đổi khí hậu, một trong những thành viên sáng lập của Hội nghị P4G, Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực, trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu phục hồi xanh và phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, chúng tôi đồng tình ủng hộ và đánh giá rất cao Tuyên bố Xê-un do Chính phủ Hàn Quốc đưa ra tại Hội nghị lần này.

V.C

Xem thêm

Liên kết