Buổi lễ ra mắt có sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, đại diện các Bộ, ban ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động cộng đồng và công tác xã hội, cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Hiện nay, đang có hàng nghìn nhóm tình nguyện, dự án phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội,… đang hoạt động tại Việt Nam. Đó có thể là một cửa hiệu cắt tóc của người Điếc; một xưởng sản xuất thú bông của người khuyết tật; một nhóm thanh niên vận động giảm rác nhựa; hay những lớp học cho trẻ em không có giấy khai sinh;…
Những dự án phi lợi nhuận này hướng tới giải quyết nhiều vấn đề của cộng đồng, thông qua nhiều mô hình, nhiều giải pháp. Nhưng phần nhiều gặp khó khăn trong việc tiếp cận truyền thông, không nhận được nguồn lực như chúng xứng đáng.
Giống với hầu hết các lĩnh vực khác của đời sống, các dự án xã hội cũng có thể “bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt nếu dự án đó hướng tới việc giải quyết những vấn đề của nhóm yếu thế, ít được nhận thức bởi đại chúng. Một số ít dự án xã hội được biết đến đông đảo, gọi được nhiều tài trợ, không đại diện cho các khó khăn mà phong trào vì cộng đồng đang gặp phải.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Đinh Đức Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO, cho biết NICE ra đời vì 4 lý do:
Thứ nhất, các vấn đề của xã hội là rất đa dạng và cần những cách giải quyết khác nhau.
Thứ hai, ngay lúc này, đang có rất nhiều sáng kiến vì cộng đồng đã quan tâm và mong muốn giải quyết những vấn đề đa dạng đó.
Thứ ba, rất nhiều trong số những sáng kiến đó không được biết tới và không nhận được sự quan tâm, hay sự hỗ trợ nguồn lực như chúng xứng đáng. Cuối cùng, các thành viên giám tuyển của NICE tin rằng truyền thông có thể giải quyết được một phần vấn đề.
Bằng chuyên môn của các nhà hoạt động xã hội, NICE tập hợp các sáng kiến mới, có tiềm năng và minh bạch lại một mạng lưới. Bằng kinh nghiệm hoạt động truyền thông, NICE giúp các sáng kiến này được biết đến nhiều hơn. Bằng nguồn lực từ nhà tài trợ và các kết nối khác, NICE sẽ trợ giúp các sáng kiến giàu triển vọng được bước ra ánh sáng và lớn mạnh.
"Cốt lõi của các hoạt động vì cộng đồng, vẫn sẽ là các dự án từ thiện, hay là “cho tiền” theo nghĩa đen. Chúng ta vẫn cung cấp bữa ăn cho trẻ em, chúng ta xây trường, chúng ta xây nhà. Bản thân tôi cũng đã từng huy động rất nhiều bữa ăn, nhiều tấn gạo, xây nhiều ngôi trường. Mỗi ngôi trường mới được xây, tôi đều cảm thấy tự hào và hy vọng. Nhưng đó có phải là tất cả bức tranh hay không? Các vấn đề cộng đồng liệu có thể được giải quyết triệt để bằng một vài cách làm từ thiện phổ biến như hiện nay không?", ông Đức Hoàng đặt câu hỏi.
Trên nền tảng của NICE, mọi dạng kết nối có thể được tạo ra. Những tình nguyện viên, nhà tài trợ, nhà truyền thông, có thêm cách thức tham gia vào hoạt động vì cộng đồng. Các sáng kiến tìm được thêm nguồn lực.
Trung tâm Thông tin UNESCO tin rằng ngoài các chương trình quốc gia, các giải pháp phổ quát, thì việc quảng bá cho các sáng kiến đa dạng, các dự án khác biệt, sẽ khiến phong trào vì cộng đồng thu được nhiều thành tựu đột phá.