Sinh vật ngoại lai xâm hại và những bài học đắt giá

Mới đây, Bộ NN&PTNT có công văn hỏa tốc yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát loài tôm hùm đất (tôm càng đỏ), vì đây là sinh vật ngoại lai xâm hại, không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Mộc Châu mùa trẩy mậnThủ tướng Anh Theresa May có sự nghiệp chính trị lẫy lừng trước khi từ chức trong cay đắngNgười tiêu dùng tự đi kiểm nghiệm để chứng minh bột canh i-ốt Hải Châu không có... i-ốt

Sở dĩ Bộ NN&PTNT phải làm như vậy, vì chúng ta đã từng có những bài học đắt giá từ việc để cho các loài ngoại lai xâm hại có cơ hội sinh trưởng và phát triển ngoài môi trường tự nhiên.

Sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm như thế nào?

Sinh vật ngoại lai xâm hại (NLXH) là những loài sinh vật được du nhập từ một nơi khác vào vùng bản địa và nhanh chóng sinh sôi, nảy nở một cách khó kiểm soát trở thành một hệ động thực vật thay thế, đe dọa nghiêm trọng đến hệ động thực vật bản địa, đe dọa đa dạng sinh học. Sự bành trướng của những sinh vật này là mối nguy hại cho sự tồn tại của môi trường hệ sinh thái bản địa.

Sinh vật NLXH trước hết là những loài không có nguồn gốc bản địa. Khi được đưa đến một môi trường mới, một loài ngoại lai có thể không thích nghi được với điều kiện sống và do đó không tồn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, do thiếu vắng các đối thủ cạnh tranh và thiên địch như ở quê nhà cùng với điều kiện sống thuận lợi, các loài này có điều kiện sinh sôi, nảy nở rất nhanh và đến một lúc nào đó phá vỡ cân bằng sinh thái bản địa và vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Lúc này nó trở thành loài ngoại lai xâm hại.

sinh vat ngoai lai xam hai va nhung bai hoc dat gia
Dù liên tục bị chặt bỏ nhưng không thể ngăn được cây mai dương phát triển.

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2012, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: Sinh vật NLXH là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sinh vật NLXH có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu, bao gồm các loài virus, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú. Khoảng 10% của 3.000 loài thực vật có mạch, có tiềm năng xâm hại các hệ sinh thái khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các hệ sinh vật bản địa. Sự xâm lấn của sinh vật ngoại lai có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người.

Mới đây, trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học Frontiers in Ecology, nhóm nghiên cứu từ University College London (UCL, trường thành viên của Đại học London, Anh) thống kê toàn cầu từ năm 1500 đến nay, có tới 953 loài động thực vật đã hoàn toàn biến mất khỏi trái đất.

Nguyên nhân lớn nhất gây nên sự tuyệt chủng này khá bất ngờ, đó là do sự xâm lấn của các sinh vật ngoại lai. Chúng gây nên sự biến mất của 300 loài (31% các loài bị tuyệt chủng), trong đó, các sinh vật xâm lấn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho 126 trường hợp và chịu trách nhiệm một phần cho 174 trường hợp còn lại.

sinh vat ngoai lai xam hai va nhung bai hoc dat gia
Ốc bưou vàng là "thảm hoạ" đối với môi trường.

Sinh vật ngoại lai khi đến "vùng đất mới" dần dần sinh sôi, xâm lấn và đàn áp sinh vật bản địa và sau một thời gian dài khiến sinh vật bản địa "bốc hơi" khỏi trái đất.

Theo GS. Tim Blackburn, thành viên nhóm nghiên cứu, có rất nhiều con đường đưa sinh vật ngoại lai vào cuộc xâm lấn. Với động vật, đó có thể là những con vật vô tình trốn trên tàu thuyền của con người và đi đến miền đất mới. Tương tự ở thực vật, cuộc xâm lấn bắt đầu khi con người đem cây trồng từ vùng đất này sang vùng đất khác, để phục vụ nông nghiệp hay làm cảnh và khiến chúng dần lấn át thực vật bản địa.

Những bài học đắt giá do sinh vật ngoại lai xâm hại

Ở Việt Nam, các loài sinh vật NLXH chỉ được chú ý vào nửa đầu thập kỷ 90, khi dịch ốc bươu vàng bùng phát từ đồng bằng sông Cửu Long đến đồng bằng Bắc Bộ, tác động trực tiếp đến đời sống của người nông dân.

Tuy nhiên đến nay, theo thống kê không đầy đủ, chúng ta có tới 94 loài sinh vật NLXH. Trong số đó, có một số loài đã gây ảnh hưởng nặng nề tới môi trường và kinh tế của người nông dân trên khắp cả nước. Có thể kể đến các loài NLXH đã thành đại dịch, như: ốc bươu vàng, cây trinh nữ thân gỗ (cây mai dương), bèo lục bình Nhật Bản…

Cây mai dương (còn được gọi là cây trinh nữ thân gỗ, cây mắt mèo, cây xấu hổ) là loài thực vật ngoại lai có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, du nhập vào châu Á từ cuối thế kỷ 19. Nó bắt đầu phát tán vào Việt Nam năm 1979 tại Mộc Hóa, Long An. Hiện tại, cây mai dương phát triển khá nhanh và có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Đặc biệt tại các vùng bán ngập thuộc đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực lòng hồ thủy điện như Trị An, Thác Bà, Hòa Bình…

sinh vat ngoai lai xam hai va nhung bai hoc dat gia
"Sát thủ kiều mộc" đã tiêu tốn nhiều tiền của tại các địa phương.

Loài cây này khi sinh sôi mạnh tạo thành một thảm cây bụi cao, làm cho các loài cây khác không phát triển được. Cây cao đến 6 m, phân thành nhiều nhánh, thân và cành có nhiều gai nhọn; từ lúc hạt nảy mầm đến lúc cây ra hoa khoảng 6 - 8 tháng. Trái của loài có màu nâu, chứa từ 14 đến 26 hạt. Một cây sản sinh được 9.000 hạt. Hạt rất dễ phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước, có thể giữ sức nảy mầm trên 20 năm.

Cây mai dương được xếp vào danh sách 100 loài thực vật ngoại lai nguy hiểm nhất thế giới do sức sống, sức phát triển nhanh chóng của chúng. Thân mai dương có chứa mimosin, một loại axit amin có thể gây độc hại đối với nhiều loại động vật.

Cây mai dương sẽ cạnh tranh và dần dần tiêu diệt các loài cây khác, nhất là các loài thảo mộc, các loài thực vật phát triển ở tầm thấp. Đối với những vùng trồng lúa nước và hoa màu, loài cây này sẽ cản trở việc làm đất và chăm sóc các loại cây trồng. Ở những khu vực mà loài cây này mọc với mật độ phủ kín thì không loài cây, loài động vật nào sống được dưới tán của chúng.

Ốc bươu vàng được coi là "thảm họa" đối với môi trường Việt Nam. Loài sinh vật NLXH này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sinh sống ở những vùng đầm lầy. Ốc bươu vàng được nhập về Việt Nam vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước với mục đích ban đầu để nuôi làm thực phẩm và thậm chí trong một vài thời điểm còn được đem đi…xuất khẩu. Ốc bươu vàng chính là ký chủ trung gian lây truyền sán phổi từ chuột sang người.

Năm 1989, hai trang trại nuôi ốc bươu vàng được thành lập tại Củ Chi (TP HCM) để nhân nuôi và xuất khẩu ốc bươu vàng. Đến năm 1990, việc nuôi thử nghiệm ốc bươu vàng được bắt đầu ở miền Bắc. Sau đó, ốc bươu vàng nhanh chóng phát tán dọc theo các thủy vực và hiện đã được ghi nhận ở hầu hết các vùng tại Việt Nam. Chúng có thể đẻ trứng khắp nơi, bám vào cành cây, ngọn cỏ, thậm chí đẻ cả trên các sườn gạch, đá. Thức ăn của chúng là hầu hết các loài thực vật nên đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học cũng như sản xuất nông nghiệp.

sinh vat ngoai lai xam hai va nhung bai hoc dat gia
Bèo Nhật lan tràn khắp các ao hồ trên cả nước.

Nhiều năm qua, người dân đã phải dùng các biện pháp như bắt, rải vôi bột, phun thuốc trừ sâu để hạn chế sự xâm hại của ốc bươu vàng nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Có thể nói, hiện ốc bươu vàng vẫn là loài gây hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp lúa nước, do loài này sinh trưởng chủ yếu vào vụ hè thu, đặc biệt là mùa nước nổi, thời điểm phát triển quan trọng nhất của cây lúa.

Tiếp theo, có thể kể đến là cây bìm bôi (tên khoa học là Merremia boisiana) thuộc họ bìm bìm. Cây nhìn giống lá khoai lang nên có người gọi là cây lang rừng hoặc cây lá bạc. Cây thuộc dạng leo bám, thân gỗ có đường kính đến 8cm, leo cao khoảng 10m nên có thể lấy hết ánh sáng, làm chết các cây phía dưới.

Theo PGS.TS Trần Đình Hoè (Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam), loài cây leo này có nguồn gốc ở vùng khí hậu nhiệt đới đảo Hải Nam và khu Tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc), được gọi là Jinzhongteng hoặc Sát thủ kiều mộc.

Cây phát tán rất nhanh bằng hạt, chồi, rễ và thân. Cây bìm bôi xâm nhập vào nước ta khoảng mấy chục năm trước, mọc ở dưới chân đèo Hải Vân. Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện ở Việt Nam chi bìm bìm có tới 17 loài và 3 thứ.

Loài bìm bôi đã xuất hiện ở Sa Pa (Lào Cai), Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vườn quốc gia Bạch Mã, Nam Đông (Thừa Thiên- Huế), các đai cao của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Bà Nà (Đà Nẵng)...

sinh vat ngoai lai xam hai va nhung bai hoc dat gia
Cần phải ngăn chặn loài ngoại lai xâm hại như tôm hùm đất.

Các địa phương đã tiêu tốn nhiều tiền của cho việc diệt trừ cây này nhưng không hiệu quả. Mới đây Quảng Bình đã có kế hoạch tiêu diệt thử nghiệm trên 100 ha thuộc phân khu dịch vụ - hành chính.

Thêm một loại NLXH phát triển và để lại hậu quả nặng nề là hoa bèo Nhật Bản hay còn gọi là bèo tây, bèo lục bình, được nhập vào Việt Nam từ Nhật Bản vào năm 1902 với mục đích làm cảnh. Trong điều kiện thuận lợi, loài này có thể phát triển gấp đôi diện tích trong khoảng mười ngày và hiện đã phát triển phân bố rộng khắp các thủy vực nước ngọt ở Việt Nam. Lục bình che phủ mặt nước, thối mục làm giảm ôxy hòa tan trong nước, dẫn đến làm chết cá và các loài thủy sinh khác. Cũng như các loài sinh vật NLXH khác, nó còn gây ra những hậu quả xấu đối với nền kinh tế. Chúng không chỉ cản trở hoạt động giao thông đường thủy mà còn làm chậm dòng chảy, làm giảm khả năng phát điện, sức tưới tiêu và tăng kinh phí bảo trì các hồ chứa.

Ngoài ra, còn rất nhiều loài NLXH đã và đang gây hại, làm tiêu tốn rất nhiều tiền của mỗi năm để ngăn ngừa, giảm thiểu sự lây lan, phát triển của chúng. Nhìn vào bài học "đắt giá" từ những loài NLXH này để thấy, cần phải ngăn chặn loài tôm hùm đất (tôm càng đỏ) trở thành loài tiếp theo gây hại cho môi trường Việt Nam. Ngăn chặn ngay từ khi chúng chưa bắt đầu.

Trần Giang (T/h)
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết