Suy thoái môi trường và những hệ lụy nghiêm trọng

Theo một báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường là ba mối đe dọa khẩn cấp chính đối với sức khỏe và sự phát triển thịnh vượng của nhân loại.
Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậuChuyển đổi kinh tế xanh để ứng phó với biến đổi khí hậuKhoảng cách giàu nghèo gia tăng do biến đổi khí hậuBiến đổi khí hậu mối đe dọa lớn đối với tài nguyên nước

Theo Báo cáo này, các hành động đơn lẻ và thiếu phối hợp trong giải quyết những vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm đang khiến các mục tiêu phát triển bền vững mà các nước đặt ra trở nên ngoài tầm với. Thế giới đang không đáp ứng được các cam kết hạn chế thiệt hại môi trường bởi những hành động đối nghịch tự nhiên.

Suy thoái môi trường làm xói mòn tiến trình phát triển bền vững

Gánh nặng về môi trường đang đổ dồn nhiều nhất vào người nghèo và người dễ bị tổn thương. Các quốc gia giàu có xuất khẩu một số tác động từ việc tiêu dùng và sản xuất của họ sang các quốc gia nghèo hơn thông qua thương mại và xử lý chất thải.

Trong 50 năm qua, nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng gần gấp 5 lần, năng lượng tăng gấp 3 lần. Việc tăng trưởng sản xuất phần nhiều vẫn dựa vào khai thác tài nguyên. Cùng với đó, dân số thế giới tăng gấp 2 lần (lên 7,8 tỉ người), nhưng có tới 1,3 tỉ người vẫn nghèo và khoảng 700 triệu người còn đói. 

Hơn nữa, thay đổi môi trường đang làm chậm tiến trình xóa đói giảm nghèo, cung cấp nước sạch và vệ sinh, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế… Trong khi đó, các hệ thống xã hội, kinh tế và tài chính hiện tại không tính đến những lợi ích thiết yếu mà chúng ta nhận được từ thiên nhiên hay tạo ra động lực để quản lý các hệ sinh thái và nguồn lợi tự nhiên một cách khôn ngoan hoặc duy trì giá trị của chúng.

Cho đến nay, không có mục tiêu toàn cầu nào về bảo vệ sự sống trên Trái Đất hay ngăn chặn sự suy thoái của đất và đại dương được đáp ứng đầy đủ. Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng các đại dịch như Covid-19 ngày càng có khả năng xảy ra trong tương lai khi nhân loại tiếp tục tước bỏ môi trường sống tự nhiên của các loài sinh vật khác. Nạn phá rừng và đánh bắt quá mức vẫn tiếp diễn, 1 triệu loài động, thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Mặc dù lượng khí thải đã giảm kỷ lục vào năm ngoái do đại dịch Covid-19, nhưng với mức cam kết của các nước hiện nay về việc cắt giảm lượng khí phát thải CO2 thì cho đến năm 2100, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tăng thêm ở mức 3°C. Điều đó đã lùi quá xa so với mục tiêu củaThỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó các quốc gia cam kết hạn chế sự nóng lên ở mức "thấp hơn" 2 độ C và ở mức an toàn hơn là 1,5 độ C để tránh những tác động xấu nhất.

tm-img-alt
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Ấn Độ đang ở mức báo động. 

Bên cạnh đó, các rủi ro môi trường như sóng nhiệt hay các đợt nóng, lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm làm cản trở những nỗ lực trong việc xây dựng các thành phố cũng như những nơi định cư sinh sống khác của con người trở nên toàn diện, an toàn, có khả năng phục hồi và bền vững.

Tình trạng xấu đi của hành tinh cũng đe dọa thành tựu về y tế và đời sống của tất cả mọi người. Khoảng 1/4 gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu bắt nguồn từ các rủi ro liên quan đến môi trường, bao gồm các bệnh lây truyền từ động vật (chẳng hạn như Covid-19), bệnh do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tiếp xúc với ô nhiễm và hóa chất độc hại. Ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời gây ra tới 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Ngoài ra, đánh giá cũng cho thấy rằng các chính phủ đã chi từ 5.000 - 7.000 tỉ USD tiền trợ cấp cho các dự án nhiên liệu hóa thạch cùng các hoạt động canh tác quy mô lớn. Chính điều này góp phần gây ra ô nhiễm không khí và khiến khoảng 8 triệu người thiệt mạng mỗi năm.

Thách thức về môi trường với Việt Nam

Trong nhiều năm gần đây, quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã tạo ra nhiều áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh. Đồng thời, đa dạng sinh học và chất lượng rừng suy thoái đến mức báo động, nguồn gen bị thất thoát; hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng; sự cố môi trường xảy ra nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, an ninh sinh thái bị đe dọa. Những vấn đề môi trường cấp bách này đã trở thành nguy cơ lớn cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, tiềm năng đa dạng sinh học rất phong phú, các hệ sinh thái có tính đa dạng cao, giống loài và nguồn gen quý hiếm. Tuy nhiên, nguồn gen trong tự nhiên chưa được bảo tồn hiệu quả, đặc biệt là các nguồn gen bản địa, quý hiếm, có giá trị khoa học, có giá trị kinh tế,… gây mất mát nguồn gen lớn. Việt Nam được xếp vào những nước bị mất đa dạng sinh học lớn trên thế giới, đa dạng sinh học đang tiếp tục bị suy thoái với tốc độ nhanh. Sức khỏe các hệ sinh thái tự nhiên đang xấu đi nhanh chóng hơn bao giờ hết, dẫn đến mất cân bằng sinh thái, xói mòn nền tảng và nguồn vốn tự nhiên của nền kinh tế, sinh kế, an ninh lương thực.

Mặc dù số lượng các khu bảo tồn, khu Ramsar, vườn di sản ở Việt Nam tiếp tục gia tăng; số lượng các nguồn gen quý hiếm được bảo tồn tiếp tục tăng, nhưng các hệ sinh thái tự nhiên (như rừng trên cạn, rừng ngập mặn, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, núi đá vôi, bãi bồi cửa sông ven biển,…) tiếp tục bị tàn phá, thu hẹp diện tích và suy thoái chất lượng ở mức báo động, làm mất nơi cư trú của nhiều loài động thực vật hoang dã. Tài nguyên sinh vật đang bị khai thác quá mức, khai thác tận diệt, nhất là thủy sản, hải sản, lâm sản gỗ và phi gỗ. Số loài và số cá thể các loài hoang dã giảm mạnh, nhiều loài bị săn bắn, khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép nên nguy cơ bị tuyệt chủng cao.

Chất lượng rừng suy giảm mạnh cũng là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tần suất, quy mô và cường độ các thiên tai xảy ra trong những năm qua, như: lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn. Do đó, mất chức năng phòng hộ của hệ thống rừng đang là một thực trạng cấp bách đáng báo động, là một trong những thách thức lớn cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh những tác động của biến đổi khí hậu gia tăng bất thường và khó dự báo.

tm-img-alt
Các tỉnh miền Trung bị nước lũ nhấn chìm trong trận "đại hồng thủy" lịch sử. (Ảnh: Thanh niên)

Do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thiên tai hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt, khó dự báo trên phạm vi cả nước. Từ đó, cũng dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn kéo dài và trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh, đặc biệt là ở miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL. Thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn được xác định là một trong những thách thức ngày càng lớn đối với công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước trong những năm tới. Ứng phó với thiên tai, trong đó có hạn hán và xâm nhập mặn là một nhiệm vụ chiến lược có tầm quan trọng hàng đầu và là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Chúng ta thậm chí có thể thấy rõ ràng "lời nguyền của tự nhiên" từ nhiều quốc gia, trong đó có đất nước chúng tôi, một quốc gia với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đang phải hứng chịu hậu quả từ việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, và đây là minh chứng rõ ràng về mối quan hệ nhân quả giữa con người và thiên nhiên”.

"Chính vì vậy, chúng ta đang đối diện với những thách thức to lớn liên quan đến đa dạng sinh học do chính con người tạo ra. Đã đến lúc chúng ta, bên cạnh việc sử dụng các công cụ chính sách và pháp luật, thì cần phải coi bảo tồn đa dạng sinh học là một vấn đề đạo đức, trước hết ở cấp lãnh đạo cho đến tất cả mọi người dân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.

Ngọc Ánh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết