Thái Lan: Hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề đến người dân

Theo dự báo của Cục Khí tượng Thái Lan, hạn hán ở nước này sẽ lên đến đỉnh điểm trong tháng Một và Hai và sẽ tiếp tục kéo dài cho tới tháng Năm trước khi có mưa vào tháng Sáu.
Thủy điện thượng nguồn Mekong giảm xả nước khiến xâm nhập mặn tăngThái Lan chuẩn bị đối phó với tình trạng khan hiếm nước do hạn hánNhiều tỉnh Nam Bộ cần xây dựng kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn
thai lan han han va xam nhap man anh huong nang ne den nguoi dan
Cảnh khô hạn trên cánh đồng ở Bang Pla Ma, tỉnh Suphanburi, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, mực nước sông Mekong tại tỉnh Nong Khai ở vùng Đông Bắc Thái Lan đã giảm xuống còn 1,83m hôm 9/1, thấp hơn điểm tràn nước trên bờ 10,37m.

Truyền thông sở tại cho biết so với thời điểm này năm 2019, mực nước sông Mekong hiện nay ở Nong Khai thấp hơn 2m, làm xuất hiện những bãi cát trên lòng sông.

Cùng thời điểm này, nông dân địa phương cũng đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán. Một số nông dân đã phải sử dụng các đường ống dài để bơm nước sông vào ruộng.

Chiều dài của các đường ống có khi lên tới gần 1km tùy thuộc vào khoảng cách giữa sông Mekong và trang trại.

Việc sử dụng máy bơm và đường ống dài đã làm tăng chi phí trồng trọt do phải dùng nhiên liệu chạy máy bơm gần như cả ngày.

Trong khi đó, tình trạng xâm nhập mặn tại sông Chao Phraya đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới canh tác lúa ở tỉnh Ayutthaya ở miền Trung Thái Lan.

Hầu hết các cánh đồng lúa đều đang bị khô héo, trong khi Chính phủ Thái Lan cấm nông dân sử dụng nước từ hai con sông Chao Phraya và Pasak để trồng lúa trái vụ từ ngày 20/1.

Tình trạng hạn hán vốn đang gây khó khăn cho nông dân dự kiến sẽ trở nên tồi tệ thêm khi nước các sông Pasak và Chao Phraya được dùng để ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn, làm ảnh hưởng tới nước sinh hoạt của các cư dân ở thủ đô Bangkok và khu vực lân cận do chủ yếu dùng nước từ nhà máy nước Samlae.

Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan (RID) hiện đang thực hiện các hoạt động được gọi là “búa nước” để làm tăng dòng chảy trên sông Chao Phraya nhằm đẩy lùi nước biển xâm nhập từ Vịnh Thái Lan do nước mặn đang làm ảnh hưởng tới nhà máy nước sạch Samlae ở tỉnh Pathum Thani.

Để thực hiện biện pháp “búa nước,” cơ quan quản lý các nhà máy nước đô thị phải hạ thấp mực nước trong khu vực Samlae, trong khi RID xả nước thượng nguồn để đẩy nước biển trở lại Vịnh Thái Lan.

Theo Phó Giám đốc Cơ quan quản lý các nhà máy nước đô thị Raksak Suriyahan, nhà chức trách đã thành công trong việc đẩy nước biển lùi ra khỏi nhà máy nước Samlae từ 5-6km.

Tuy nhiên, các quan chức cũng đang khuyến cáo người dân về việc nước biển sẽ thâm nhập thêm trong hai đợt triều cường vào các ngày 13-14/1 và 26-27/1.

Theo kế hoạch, các cơ quan hữu quan của Thái Lan sẽ chuyển khoảng 500 triệu m3 nước từ sông Mae Klong vào sông Chao Phraya để cải thiện chất lượng nước.

Bên cạnh đó, các quan chức Thái Lan này cũng đang triển khai các dự án khoan 3 giếng ở Bang Khen, Min Buri và Lat Brabang thuộc Bangkok để phục vụ hơn 15.000 hộ gia đình.

Theo dự báo của Cục Khí tượng Thái Lan (TMD), hạn hán ở nước này sẽ lên đến đỉnh điểm trong tháng Một và Hai, và sẽ tiếp tục kéo dài cho tới tháng Năm trước khi có mưa vào tháng Sáu.

Những khu vực được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là 43 tỉnh ở các khu vực miền Bắc, miền Trung và Đông Bắc.

Theo Ngọc Quang/Vietnam+