Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu khí hậu nóng lên. Đây là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững.
Cần hành động nhanh chóng để bảo vệ nguồn nước và ứng phó với BĐKHCảnh báo hàng triệu người sẽ phải đi tị nạn do biến đổi khí hậuGreenpeace cáo buộc nhiều tổ chức góp phần gây biến đổi khí hậu

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, mỗi ngày, ở mọi nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, có thể thấy rõ rằng chúng ta không hành động đủ nhanh và đủ mạnh để ngăn chặn biến đổi khí hậu mang tính thảm khốc và không thể đảo ngược.

ung pho voi bien doi khi hau tai viet nam
Thời tiết thất thường, lượng mưa thay đổi đã khiến mùa khô bị khô hạn nặng hơn và mùa lũ nhiều nước hơn tại một số nơi ở Việt Nam. (Ảnh: Hồ Tiến)

Các chính sách này được hỗ trợ bằng những chương trình có trọng tâm về biến đổi khí hậu như Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Đề án quản lý phát thải khí nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Để vượt qua những thách thức từ biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã ký Công ước khí hậu ngày 11/6/1992, phê chuẩn ngày 16/11/1994 và ký Nghị định thư Kyoto ngày 03/12/1998, phê chuẩn ngày 25/9/2002.

Các chính sách này đều xác định mục tiêu có tính bao trùm lớn, đặc biệt chú trọng đến mục tiêu thích ứng và đã được cụ thể hóa bằng các chương trình dự án quan trọng cũng như các nguồn lực thực hiện đến năm 2020. Các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu cũng đã được luật hóa bằng nhiều văn bản luật cụ thể, như Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ Môi trường.

Một số các văn bản điều hành ở cấp bộ ngành, như Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng đều đã cụ thể hóa nội dung của các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của bộ, ngành mình.

Theo Báo cáo “Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam”, nước ta đã thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu. Ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, hầu hết các bộ, ngành và địa phương đều đã có cơ quan, đơn vị chuyên trách về biến đổi khí hậu. Các chủ trương, chính sách về biến đổi khí hậu đã được Chính phủ ban hành đồng bộ, có hệ thống, là định hướng quan trọng cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Việt Nam đã xây dựng các kịch bản về tác động của biến đổi khí hậu tại các vùng khác nhau và đang tiếp tục cập nhật kịch bản này. Các kịch bản biến đổi khí hậu được xây dựng dựa trên cơ sở các số liệu khí tượng thủy văn và mực nước biển của Việt Nam cập nhật.

ung pho voi bien doi khi hau tai viet nam
Mùa khô ở Tây Nguyên nhiều nơi thiếu nước tưới, thiếu nước sinh hoạt. (Ảnh: Nguyễn Lưu Quốc Vinh)

Các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng có mức độ chi tiết đến đơn vị hành chính cấp tỉnh và các đảo, quần đảo của Việt Nam.

Về công tác cảnh báo, dự báo thiên tai, năng lực cán bộ và trang thiết bị cảnh báo, dự báo thiên tai của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã được đầu tư đáng kể.

Trong giai đoạn 2011-2016, đã nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới 69 trạm khí tượng thủy văn, 353 điểm đo mưa, 22 điểm đo mặn, 7 Đài khí tượng thủy văn tỉnh. Trong Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ đảm bảo xây dựng hệ thống quan trắc hiện đại, đạt trình độ hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2005, được triển khai thực hiện từ năm 2006, biến đổi khí hậu đã được lồng ghép vào phần lớn các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thông qua công cụ đánh giá môi trường chiến lược.

Việt Nam đã vận động tài trợ từ nguồn ngoài nước để đầu tư cho các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu có tính chất ưu tiên cấp bách của các địa phương. Đến nay, đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho rất nhiều dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm các công trình, dự án đầu tư nâng cấp đê biển, đê sông, chống ngập và xâm nhập mặn.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức. Biến đổi khí hậu là vấn đề liên vùng, nhưng cách tiếp cận hiện nay vẫn phổ biến theo tư duy địa giới hành chính. Do đó, việc đề xuất và triển khai các dự án mang tính liên vùng còn gặp nhiều hạn chế.

Biến đổi khí hậu cũng tạo ra các cơ hội phát triển, song việc tận dụng các cơ hội còn nhiều hạn chế, chẳng hạn như vấn đề tiếp cận các quỹ khí hậu, tiếp cận công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng, sự tham gia của khối tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu sự đột phá. Hành lang pháp lý cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn thiếu, chưa đủ rõ. Việc lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển còn hạn chế.

Năm 2020 đã đến và năm quan trọng 2030 cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính diện rộng trên toàn cầu không còn xa, Việt Nam phải hành động nhiều hơn và nhanh hơn.

Việt Nam có thể bắt tay vào cải cách thể chế và chính sách để tăng cường lập kế hoạch tổng hợp, dự toán ngân sách, đầu tư ở cấp quốc gia và khu vực để giảm đầu tư phân tán, cũng như tăng cường sự hợp lực trong hành động và phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang, loại bỏ các cách tiếp cận đơn nhất truyền thống.

Bây giờ là lúc để Việt Nam thực hiện đầy đủ công cuộc đổi mới khí hậu một cách toàn diện, đảm bảo một tương lai xanh, bao trùm và thịnh vượng cho mọi người dân Việt Nam.

Theo Tùng Anh/MTĐT