Vì sao nhiều nhà đầu tư ngoại 'quay lưng' với nhiệt điện than?

Nhiều tổ chức tài chính trên thế giới, đã quyết định ngừng đổ vốn vào nhiệt điện than để chuyển sang điện mặt trời và điện gió, khiến hàng loạt dự án tại các nước đứng trước nguy cơ phá sản.
Tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện thanLoay hoay xử lý tro xỉ tại nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1Thanh tra Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và ‘đất vàng’ 69 Nguyễn DuNhật Bản mong muốn cung cấp nhiên liệu cho nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1

Hàng loạt nhà đầu tư thoái vốn

Mới đây, Tập đoàn Mitsubishi đã chính thức tuyên bố rút khỏi dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3, một trong những dự án nguồn điện ngoài của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. 

“Đây là lần đầu tiên Mitsubishi rút khỏi dự án nhiệt điện than và tập đoàn này cũng sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy mới về nguồn nhiên liệu này sau dự án Vũng Áng 2”, theo Nikkei Asia.

Mitsubishi cũng không phải là nhà đầu tư Nhật Bản duy nhất đã và đang có kế hoạch thoái vốn khỏi những dự án điện than. Mitsui&Co vừa qua đã thông báo thoái vốn khỏi Paiton Energy, một nhà sản xuất điện than quy mô lớn tại Indonesia. Tập đoàn tài chính Mizuho cũng tạm dừng tất cả các khoản tài trợ cho điện than vào năm ngoái, đồng thời đặt mục tiêu giảm dư nợ tín dụng cho các dự án này xuống 0 vào năm 2040.

tm-img-alt
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 là dự án điện than lớn nhất nằm trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh minh họa)

Dự án Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 là dự án lớn nhất VN với 3 tổ máy, tổng công suất lắp đặt là 1.980 MW, vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD, do các nhà đầu tư EVN, Tập đoàn Thái Bình Dương và liên danh OneEnegry - liên danh của Mitsubishi. Dự án này nằm giữa Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, một bên là Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (EVN làm chủ đầu tư) và một bên là Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (chủ đầu tư là EVN, Tập đoàn Thái Bình Dương và liên danh Doosan - Mitsubishi).

Nhiều doanh nghiệp khác vẫn chưa thoái vốn khỏi các dự án nhưng cũng đưa ra cam kết sẽ không tham gia thêm vào những dự án điện than khác.

Quyết định của các nhà đầu như Nhật Bản dự kiến sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn đối với ngành nhiệt điện than, bởi dòng vốn đến từ Nhật Bản đóng góp rất lớn vào việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trên thế giới, theo Nikkei Asia Review.

Thay vào đó, các doanh nghiệp Nhật cho biết tập trung nguồn lực để hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng thêm nhiều cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo cũng như khí thiên nhiên hóa lỏng.

Không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản mà nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới cũng đang làm điều tương tự. Viện Phân tích kinh tế và tài chính năng lượng (IEEFA) tiến hành theo dõi và liệt kê các tổ chức tín dụng lớn (có tổng tài sản đang quản lý đạt trên 10 tỉ USD) tuyên bố ngừng, hoãn, hạn chế đầu tư cho điện than cũng như hoạt động hợp tác với các đối tác có tham gia sản xuất điện than. Danh sách này đến nay đã đạt tới con số 132 và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, gần 700 nhà đầu tư trên thế giới cũng đang đề nghị các chính phủ lên kế hoạch loại bỏ dần nhiệt điện than bằng cách chấm dứt hoàn toàn trợ cấp cho nguyên liệu hóa thạch và đánh thuế phát thải.

“Những lo ngại về biến đổi khí hậu cùng với lợi nhuận ngày càng kém là lý do khiến ngành công nghiệp điện than không còn được ưa chuộng”, Bobby Tudor, một lãnh đạo ngân hàng tại Mỹ cho biết.

Sẽ có nhà đầu tư mới cho dự án Vĩnh Tân 3

Liên quan đến việc Tập đoàn Mitsubishi thoái vốn tại dự án Vĩnh Tân 3, trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Xuân Dương, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng Vĩnh Tân 3 cho biết, dù nhà đầu tư ngoại thoái vốn nhưng dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, xã Vĩnh Tân, H.Tuy Phong, Bình Thuận) vẫn sẽ triển khai bình thường.

Ông Phan Xuân Dương lý giải, hiện nay các tổ chức môi trường trên thế giới, trong đó có Hội nghị biến đổi khí hậu lần thứ 21 ở Paris (Pháp) vừa qua, hầu như tất cả các tổ chức tài chính lớn trên thế giới đều gây sức ép đối với các nhà đầu tư, các nhà sản xuất (thiết bị) không được đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than, trong đó bao gồm cả các đối tác chiến lược của dự án Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3. Hiện công ty đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này để chuyển cho nhà đầu tư mới.

Ông Phan Xuân Dương khẳng định dự án sẽ chuyển (một phần) sang nhà đầu tư khác. “Hiện thủ tục chuyển sang cho nhà đầu tư khác đã được “ký nháy”. Chúng tôi cũng đã làm việc với Bộ Công thương và Chính phủ Việt Nam để xử lý rồi (chuyển nhà đầu tư). Sau khi chúng tôi có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương thì Thủ tướng đã giao Bộ Công thương chủ trì cùng các bộ, ngành khác giải quyết. Hiện Bộ Công thương đã lấy ý kiến các bộ, ngành bao gồm Bộ Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn điện lực Việt Nam... và 3 bộ đã có văn bản trả lời rồi”, ông Dương cho hay.

Nhiệt điện than tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường

PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng: “Công tác quản lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện ở nước ta hiện nay rất yếu. Một trong những nguyên nhân chính là vì không có cơ quan nào đặc trách nhiệm vụ này, nên có thể dẫn đến sự bỏ sót các khâu kiểm soát quan trọng (kiểm soát phóng xạ) và không kích thích việc tận dụng nguồn “tài nguyên” này. Ví dụ, để triển khai ứng dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng cần phải qua các ban ngành của Bộ Xây dựng để đăng ký và đánh giá các chủng loại sản phẩm, qua Bộ Công thương để thành sản phẩm hàng hóa, qua Bộ Tài nguyên và Môi trường để đánh giá tác động môi trường. Tuy vậy, nhưng có khi độ phóng xạ của tro xỉ thì không Bộ nào quan tâm”.

Hàng loạt các vụ việc gây ô nhiễm môi trường liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than đã được báo chí phản ánh, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của những hộ dân xung quanh, đã trở thành nỗi lo dai dẳng nhiều năm nay.

Minh Phương

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường