Việt Nam có Dự án Nhà máy điện mặt trời nổi quy mô 37 triệu USD

Đây là Dự án Nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên tại Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào điện than và dầu diesel, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Đồng Nai đề xuất xây 8 dự án điện mặt trời trên hồ thủy điện Trị AnVietstar xây nhà máy đốt rác phát điện 400 triệu USD tại TP. HCM

Một Hợp đồng cho vay trị giá 37 triệu USD cho Dự án Nhà máy điện mặt trời nổi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam đã được ký kết ngày 2/10 giữa Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD). Khoản cho vay có sử dụng 4,4 triệu USD từ Quỹ Cơ sở Hạ tầng Khu vực Tư nhân châu Á (Leading Asia’s Private Infrastructure Fund - LEAP) có sự góp vốn của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Đây là Dự án Nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên tại Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào điện than và dầu diesel, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Trung Bộ và Nam Bộ là nơi thu bức xạ mặt trời lớn, rất phù hợp cho phát triển điện mặt trời, đồng thời việc lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mặt hồ không bị hạn chế bởi công tác thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Vì vậy, Dự án được kỳ vọng sẽ khởi nguồn cho tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Ông Christopher Thieme, Phó Tổng Vụ trưởng, Vụ Nghiệp vụ Khu vực Tư nhân của ADB nhận định: “Dự án sẽ giúp tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất năng lượng của Việt Nam, và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu như than đá. Việc kết hợp hai công nghệ năng lượng sạch này - thủy điện và điện mặt trời là một thành tựu giản đơn nhưng rất sáng tạo có thể được nhân rộng ở những nơi khác ở Việt Nam và trên khắp Châu Á và Thái Bình Dương.”

viet nam co du an nha may dien mat troi noi quy mo 37 trieu usd

Dự án sẽ lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mặt hồ thủy điện Đa Mi, thuộc tỉnh Bình Thuận, với tổng công suất thiết kế 47,5MW.

Dự án Nhà máy điện mặt trời nổi cũng sẽ nâng cao hiệu quả các hồ thủy điện của Nhà máy thủy điện Đa Mi, được đầu tư xây dựng vào những năm 1990 bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản.

Quỹ LEAP được hình thành trên cơ sở chương trình “Đối tác Cơ sở Hạ tầng Chất lượng Cao” do Nhật Bản khởi xướng ngày 21/11/2015. Quỹ tập trung hỗ trợ đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng bền vững, chất lượng cao của khu vực tư nhân trong nhiều lĩnh vực, như giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, dịch vụ y tế với mức giá hợp lý…

Quỹ LEAP hiện đang đầu tư 12 dự án và đã huy động tổng cộng 3,7 tỉ USD từ ADB và các đối tác đồng tài trợ khác. Quỹ LEAP cho vay dưới nhiều hình thức hợp tác, bao gồm cả Quan hệ đối tác Công – Tư (PPP), tại các quốc gia thành viên của ADB ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tháng 3/2016, JICA đã phê duyệt khoản đóng góp 1,5 tỉ USD vào Quỹ LEAP. Kể từ đó đến nay, JICA đã phê duyệt đầu tư tổng cộng 500 triệu USD hỗ trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực như: Dự án y tế tại Ấn Độ và Indonesia, Dự án năng lượng tái tạo tại Mông Cổ và Thái Lan...

JICA sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy “Đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao”, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế và xã hội ở các nước và khu vực đang phát triển, thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Theo (MTĐT)