Năng lượng tái tạo đang bùng nổ tại Việt Nam
Trang mạng Asiatimes.com vừa đăng bài viết nhận định Việt Nam đang có những bước tiến nhanh chóng trong việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch trong thế giới hậu Covid-19, khi mà biến đổi khí hậu sẽ là trọng tâm của cuộc khủng hoảng toàn cầu sắp tới và các nước, các doanh nghiệp đang tăng cường nỗ lực để có thể đạt mục tiêu trung hòa khí carbon.
Theo bài viết, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang bùng nổ tại Việt Nam nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong vòng 5 năm trở lại đây.
Điều này xuất phát từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ vào Việt Nam khi các công ty đa quốc gia xây dựng nhà máy tại Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như tận dụng lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn tốt.
Tăng trưởng kinh tế và dòng vốn FDI đã làm tăng vọt nhu cầu về năng lượn điện. Trong bối cảnh các nguồn điện trong nước còn hạn chế, những năm gần đây, Việt Nam đã chuyển hướng thúc đẩy năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời và hiện giờ là gió.
Báo cáo từ bộ phận nghiên cứu thị trường của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, chỉ riêng sản lượng điện mặt trời của Việt Nam năm 2020 đã đạt 16.640 MW, chiếm 24% tổng cơ cấu năng lượng cả nước.
Ông Frederick Burke, Giám đốc điều hành công ty luật Baker McKenzie, đánh giá: “Việt Nam rất thành công về năng lượng mặt trời. Việt Nam đang vượt xa mục tiêu trong quy hoạch điện ban đầu, gấp gần 2 lần so với mục tiêu đề ra.”
Theo ông, một lý do bùng nổ năng lượng sạch tại Việt Nam là do nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là từ các tập đoàn cung ứng hàng tiêu dùng có thương hiệu đang tìm kiếm “chuỗi cung ứng xanh” để đáp ứng các yêu cầu của thị trường nội địa về hàng hóa thân thiện hơn với môi trường.
Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư mới vào các khu công nghiệp của Việt Nam đã được chi cho lĩnh vực năng lượng mặt trời trên mái nhà như một giải pháp khắc phục nhanh chóng, phù hợp với khí hậu để đáp ứng nhu cầu điện cho chính các khu công nghiệp này và nhu cầu "xanh" của khách hàng.
Bài viết cũng đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2,9% vào năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19, xuất khẩu tăng và FDI dù giảm 2% vào năm 2020 nhưng đang đổ khoảng 16 tỉ USD mỗi năm vào Việt Nam.
Xu hướng phát triển của nhiều quốc gia
Không chỉ riêng Việt Nam, năng lượng tái tạo cũng đang trở thành xu hướng phát triển của nhiều quốc gia. Là một trong những quốc gia ở châu Á đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Hàn Quốc đặt mục tiêu có được các công nghệ lõi trong sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường, chẳng hạn như các tấm pin mặt trời hiệu suất cao và điện gió. Ðể đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nước này cũng nỗ lực để giảm chi phí sản xuất nhiên liệu hydro. Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy dự án nghiên cứu và phát triển các công nghệ giúp giảm lượng khí thải carbon trong các ngành công nghiệp phát thải nhiều, như sản xuất thép, hóa dầu, chất bán dẫn và màn hình. Hàn Quốc đã công bố một loạt biện pháp để thúc đẩy việc sử dụng ô-tô thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xây dựng ít nhất 500.000 trạm sạc cho xe điện vào năm 2025. Công ty LG Electronics, một tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã bắt tay với một số đối tác trong nước phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, trong đó phát triển một hệ thống làm mát và làm nóng nước biển phù hợp môi trường của biển Hoàng Hải và các giải pháp quang điện tích hợp cho tòa nhà (BIPV).
Tại Singapore, những chiếc xe buýt công cộng được lắp các tấm pin năng lượng mặt trời đã bắt đầu chạy trên đường phố trong một thử nghiệm kéo dài sáu tháng của hãng điều hành xe buýt Go-Ahead Singapore. Còn Indonesia đề ra hai mục tiêu lớn trong chương trình chuyển đổi năng lượng, gồm đạt mức 23% hỗn hợp năng lượng xanh vào năm 2025 và giảm 29% lượng khí thải so với mức cơ sở vào năm 2030 theo Thỏa thuận Paris. Indonesia đã thực hiện chương trình 30% Biodiesel (B30) bắt buộc để giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, trong đó sử dụng dầu cọ làm nguồn nhiên liệu sinh học để giảm phát thải, cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế. Ðể thực hiện mục tiêu đầy tham vọng là chuyển đổi sang năng lượng sạch, Indonesia đang phát triển công nghệ đồng đốt sinh khối cho một số nhà máy điện và đang cố gắng mở rộng quy mô sử dụng công nghệ này.
Trong mục tiêu đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã công bố một loạt khoản vay nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo. Hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, việc lắp đặt các thiết bị năng lượng mặt trời ở Mỹ dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần vào cuối thập kỷ này. Hãng công nghệ Apple (Mỹ) cho biết, đã có hơn 110 đối tác sản xuất của hãng này đang chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo khi sản xuất các sản phẩm của Apple. Những cam kết này sẽ giúp cắt giảm hơn 15 triệu tấn khí thải CO2 hằng năm, tương đương lượng khí thải của hơn 3,4 triệu ô-tô.
Cuộc đua sản xuất và bán nhiên liệu hydro trên toàn cầu cũng đặt Canada trước cơ hội lớn hợp tác với Ðức, một trong những thị trường mới nổi lớn nhất thế giới về nguồn nhiên liệu thay thế này. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi năng lượng sạch, bao gồm việc tích hợp một lượng lớn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện. Chính phủ liên bang Canada đặt mục tiêu đưa hydro trở thành một nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sạch ở quốc gia Bắc Mỹ này.
Theo TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), trong các tấm pin mặt trời có một số chất gọi là kim loại nặng, tuy chỉ 3 - 5% nhưng không phân hủy được, khi ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước giống tro xỉ từ các bãi than thải khi sử dụng nhiệt điện than. Các tấm panel, tuy không phát thải hằng ngày nhưng với số lượng các dự án điện mặt trời cả trung tâm và nhỏ lẻ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay sau giai đoạn sử dụng khoảng 15 - 20 năm nữa, số lượng tấm pin thải ra cũng phải chất thành núi, khi đem chôn lấp sẽ ngấm vào đất rất nhiều chất ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
“Trên thế giới, thực ra không có nước nào quy định rõ ràng, đầy đủ các quy định về việc xử lý các tấm pin sau khi hết hạn. Tuy nhiên ở nước ngoài, họ có nhà máy sản xuất tại chỗ, khi sản xuất các tấm pin này, Chính phủ đã yêu cầu sử dụng công nghệ khử bỏ lượng kim loại nặng. Đối với các nước phải nhập khẩu, điều kiện khử bỏ kim loại nặng hoặc “ứng trước” chi phí xử lý rác thải thông qua giảm giá thành có thể đã được ràng buộc trong hợp đồng. Trong khi tại Việt Nam hầu hết là lắp ráp, đi mua, không ràng buộc cụ thể các điều kiện này trong hợp đồng mua bán và cũng không kiểm tra lại khi nhập về”, TS Lâm nói.