Việt Nam nỗ lực nâng mức đóng góp để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu

Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường quốc gia, tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ (những khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn khí cacbonic có thể được chuyển đổi thành lượng CO2 tương đương). Mức đóng góp có thể tăng lên 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế và các cơ chế trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Chiến lược mô hình giảm phát thải khí nhà kính ở Việt NamĐổi mới để phát triển bền vững kinh tế biển Việt NamTạm dừng nền kinh tế toàn cầu do Covid-19, lượng khí thải chỉ giảm 4%
viet nam no luc nang muc dong gop cho ung pho voi bien doi khi hau toan cau
Tổ hợp trang trại Năng lượng tái tạo Điện mặt trời và Điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận - một trong những dự án năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam. (Ảnh: Đời sống & Pháp lý)

Ngày 24/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. NDC cập nhật của Việt Nam xác định các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 và các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu gây ra trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực.

So với NDC đã đệ trình vào tháng 9/2015, đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật trong trường hợp quốc gia tự thực hiện đã tăng cả về lượng giảm phát thải và tỉ lệ giảm phát thải.

NDC cập nhật là nỗ lực cao nhất của Việt Nam

Cụ thể, lượng giảm phát thải tăng thêm 21,2 triệu tấn CO2tđ (từ 62,7 triệu tấn CO2tđ lên 83,9 triệu tấn CO2tđ) tương ứng với tỉ lệ giảm phát thải đã tăng thêm 1% (từ 8% lên 9%). Mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế tăng từ 25% lên 27%, lượng giảm phát thải đã tăng thêm 52,6 triệu tấn CO2tđ (từ 198,2 triệu tấn CO2tđ lên 250,8 triệu tấn CO2tđ).

Ngoài ra, NDC cập nhật cũng đã xác định các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm: Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường quản lý nhà nước và nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng.

Trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, NDC cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris.

Số liệu thống kê cho thấy năm 2014, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu và mức phát thải bình quân đầu người là 2,84 tấn CO2tđ.

Tuy nhiên, Việt Nam đã tích cực thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh và tăng cường thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có tiềm năng trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp.

68 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030

Theo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, kể từ năm 2021, Việt Nam sẽ có trách nhiệm thực hiện đóng góp theo NDC. Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ với 68 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030. Thực hiện NDC của Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế ứng phó biến đổi khí hậu trong nước vừa thực hiện trách nhiệm đóng góp với cộng đồng quốc tế.

viet nam no luc nang muc dong gop cho ung pho voi bien doi khi hau toan cau
Việt Nam đang thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo.

Triển khai thực hiện NDC cập nhật đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực. Các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện NDC cập nhật gồm có xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức; phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Việc thực hiện NDC cập nhật của Việt Nam sẽ là trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Cơ quan đầu mối giúp Chính phủ là Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.

Nguồn lực tài chính cho thực hiện NDC cập nhật được huy động từ nhiều kênh khác nhau, tuân thủ Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan khác. Một số kênh huy động gồm ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), hỗ trợ quốc tế, nguồn lực của các doanh nghiệp và đóng góp của cộng đồng.

Thực hiện NDC, Việt Nam có cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay, đã có nhiều đối tác quốc tế lớn quan tâm, xúc tiến và sẵn sàng tham gia hỗ trợ Việt Nam thực hiện NDC, cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong thời gian tới.

Để thúc đẩy triển khai thực hiện NDC cập nhật, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chương trình Hỗ trợ thực hiện NDC trong giai đoạn 2021-2030, đồng thời xây dựng cập nhật chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2050 gồm cả việc các mục tiêu nêu tại NDC cập nhật và các nội dung theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris.

Nhằm giám sát và đánh giá, hệ thống hỗ trợ việc công khai minh bạch được xây dựng nhằm theo dõi, đánh giá các hoạt động và kết quả thực hiện nội dung của NDC cập nhật, bao gồm: Thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính ở cấp quốc gia và cấp ngành; Thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia, cấp địa phương và cấp dự án; Giám sát và đánh giá trong huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; xây dựng các báo cáo ngân sách cho ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh phục vụ đánh giá nỗ lực toàn cầu định kỳ; xây dựng hệ thống giám sát chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện thủ tục đệ trình NDC cập nhật với Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các đối tác quốc tế tổ chức triển khai thực hiện NDC theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

viet nam no luc nang muc dong gop cho ung pho voi bien doi khi hau toan cau
Hội nghị COP21 đã thông qua Thỏa thuận Paris và Đóng góp do các quốc gia tự quyết định.

Thoả thuận Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) năm 2015 và có hiệu lực năm 2016, đã có 189 Bên tham gia, ràng buộc trách nhiệm đóng góp của tất cả các quốc gia tham gia về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu (biến đổi khí hậu), đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực. Đây là khuôn khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Nội dung quan trọng nhất của Thoả thuận Paris quy định việc các Bên tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện NDC. NDC cung cấp những thông tin về đóng góp do một quốc gia sẽ thực hiện nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện tại và dự báo trong tương lai.

Đến nay, tất cả các Bên tham gia Thỏa thuận Paris đã đệ trình NDC cho Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Tuy nhiên, nội dung NDC của các nước rất khác nhau. Tuy nhiên, nếu thực hiện toàn diện các NDC, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn cao so với thời kỳ tiền công nghiệp khoảng 3oC. Con số này cao hơn nhiều so với mục tiêu nêu trong Thoả thuận Paris thực hiện Công ước là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở dưới ngưỡng 2oC và tiến tới hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Để thu hẹp thiếu hụt trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Thư ký UNFCCC đã yêu cầu các quốc gia rà soát và cập nhật NDC, bảo đảm NDC là nỗ lực cao nhất của quốc gia.

Mai Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết