Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trong phát triển bền vững năng lượng tái tạo

Việt Nam xác định phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió ngoài khơi là nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng đưa mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Hàng trăm dự án năng lượng tái tạo "ngồi chờ" bán điện, vì sao Việt Nam vẫn phải nhập khẩu?Quy hoạch không gian biển đảm bảo sự phát triển bền vững của năng lượng tái tạoCơ hội phát triển năng lượng tái tạo cho Việt Nam và thế giới

Hiện nay, các giải pháp chuyển đổi năng lượng sạch bền vững đang góp phần giảm thiểu năng lượng nhập khẩu và giảm phụ thuộc nguồn năng lượng hóa thạch. Trong đó, năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng... là những giải pháp cần ưu tiên phát triển.

Việt Nam xác định phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió ngoài khơi là nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ đưa mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Theo lộ trình phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam dự kiến phải cần lượng đầu tư tương đương 6,8% GDP/năm, hoặc 368 tỷ USD đến năm 2040 (World Bank Group, 2022). Để đáp ứng được nguồn tài chính này, các kênh huy động chính sẽ từ khu vực tư nhân, khu vực công và nguồn vốn bên ngoài.

Theo FiinResearch, thực tế đến nay dư nợ cho vay tư nhân về tín dụng xanh chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, năm 2020 chỉ chiếm khoảng 0,2% GDP (World Bank Group, 2022).

Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trong phát triển bền vững năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã có buổi tiếp và làm việc với ông Tan See Leng, Bộ trưởng Nhân lực kiêm Thứ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore. (Ảnh: Báo TN&MT)

Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ quan trọng tại Quy hoạch điện VIII, do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng hợp tác với các đối tác phát triển cũng như các Bộ, ngành chuyên môn của Singapor để cùng đánh giá tiềm năng điện gió theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam. Với những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Nhân lực kiêm Thứ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Tan See Leng, hai bên đã trao đổi về triển khai Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) thiết lập cơ chế hợp tác của hai quốc gia triển khai các dự án thí điểm trao đổi tín chỉ carbon trong khuôn khổ Điều 6, khoản 2 của Thỏa thuận Paris.

Hai Bộ trưởng thống nhất các bên sẽ sớm triển khai các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và phát triển các công cụ định giá carbon, thúc đẩy hợp tác trong khu vực tư nhân giữa hai quốc gia trong xây dựng và triển khai các dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ carbon.

Bên cạnh đó, hai Bộ trưởng đã trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác về phát triển năng lượng tái tạo, phối hợp triển khai thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu.

Trong đó, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ngài Bộ trưởng Tan See Leng sẽ chỉ đạo xây dựng các hoạt động hợp tác cụ thể nhất là trong phối hợp triển khai thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu, thúc đẩy hợp tác, đối tác về kinh tế xanh, kinh tế số; hỗ trợ chuyên môn và công nghệ, nâng cao năng lực, bao gồm cả năng lực quản lý để Việt Nam thực hiện các cam kết cũng như các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Trao đổi với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Tan See Leng chúc mừng Việt Nam đã thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), với Quy hoạch này, Việt Nam đã có những chính sách, định hướng rõ ràng để hướng đến phát triển năng lượng tái tạo.

Với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, điện thủy triều… Bộ trưởng Tan See Leng cho biết, với kinh nghiệm và nhu cầu của mình, Singapore sẵn sàng hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng và Việt Nam nói chung để cùng đánh giá tiềm năng to lớn này của Việt Nam cũng như hợp tác về các nội dung khác để thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu.

Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống tại Việt Nam đạt 76.620 MW, tăng khoảng 7.500 MW so với năm 2020. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện. Điện sản xuất và mua của EVN là 246,21 tỷ kWh, tăng 3,25% so với năm 2020. Trong đó, điện mua các nguồn ngoài chiếm 50,2% (Năng lượng Việt Nam, 2022).

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện Việt Nam năm 2022 có tổng công suất khoảng 76,3 GW. So với những năm trước kể từ năm 2019, hệ thống điện Việt Nam đã đưa 4 GW điện gió vào vận hành thương mại, lắp đặt 16,5 GW điện mặt trời (trong đó có 7,8 GW điện mặt trời mái nhà). Tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) năm 2021 là 20.670 MW (tăng 3.420 MW so với năm 2020) và chiếm tỉ trọng 27% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống (World Bank Group, 2022).

Lan Anh