Thông thường, cả voi đực và voi cái châu Phi đều có ngà, chúng thực sự là một cặp răng khổng lồ. Nhưng một số ít được sinh ra mà không có đặc điểm nổi trội này. Dưới tình trạng săn trộm nghiêm trọng, những cá thể voi không có ngà có nhiều khả năng di truyền gen của chúng hơn.
Thực tế, một đôi ngà khỏe mạnh là lợi thế của voi, giúp chúng đào đất tìm nước, tước vỏ cây và chiến đấu. Nhưng trong giai đoạn bị con người săn bắn ráo riết để lấy ngà, cặp ngà này lại trở thành gánh nặng, có thể khiến chúng mất mạng.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho biết, số lượng voi tại châu Phi đã có dấu hiệu giảm hơn 80% so với 3 năm trước đây và hiện đang đối mặt với tình trạng tuyệt chủng.
Một nghiên cứu mới cho thấy nạn săn trộm ngà voi nghiêm trọng ở các vùng của Mozambique khiến nhiều cá thể cái được sinh ra mà không có ngà.
Trong cuộc nội chiến Mozambique kéo dài từ năm 1977 đến 1992, con người giết nhiều voi để lấy ngà đến nỗi loài vật này dường như đã tự tiến hóa trong không gian của một thế hệ. Kết quả là một số lượng lớn voi cái ngày nay tự nhiên không có ngà.
Ông Ryan Long, Phó Giáo sư về động vật hoang dã tại Đại học Idaho, cho biết chỉ trong khoảng thời gian 1997-2000, số lượng voi đã giảm mạnh từ khoảng 2.000 xuống còn khoảng 250 cá thể. Lí giải cho điều này, ông Long chỉ ra rằng đã có rất nhiều binh lính trong khu vực Gorongosa, trung tâm của cuộc xung đột chiến tranh, có hành vi giết voi, bán ngà để có tiền mua vũ khí, đạn dược, do đó mức độ săn bắn và trộm ngà voi diễn ra rất dữ dội và tàn ác.
Theo đó tạp chí Science cũng công bố kết quả của cuộc khảo sát trên các con voi ở Vườn quốc gia, việc voi tự tiến hóa không mọc ngà chỉ có ở voi cái. May mắn thay, tuổi thọ của voi cái không có ngà là 28 năm với khả năng sống sót cao hơn lên đến 5 lần so với voi cái bình thường. Số lượng voi đã tăng trở lại tại Gorongosa lên khoảng 800 con.
Tại Gorongosa, nhóm nghiên cứu thu thập mẫu máu của 7 con voi cái không ngà và 7 con có ngà, sau đó phân tích khác biệt ADN.
Dữ liệu khảo sát voi giúp các nhà nghiên cứu biết điểm xuất phát: Vì voi không ngà là voi cái nên họ tập trung vào nhiễm sắc thể X (voi cái có hai nhiễm sắc thể X, voi đực có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y).
Họ cũng nghi loại gien có liên quan là phổ biến, có nghĩa là voi cái chỉ cần một gien thay đổi để không có ngà và khi đặc điểm này được chuyển sang phôi voi đực, sự phát triển phôi thai voi đực bị ảnh hưởng.
Nghiên cứu này giúp giới khoa học và người dân hiểu tại sao xã hội loài người có thể ảnh hưởng lớn tới tiến hóa của các dạng sự sống khác.
Phần lớn mọi người cho rằng tiến hóa diễn ra chậm chạp, hàng trăm hoặc hàng nghìn năm, nhưng con người có thể đẩy nhanh tiến trình đó. Trong thực tế, hiện tượng không ngà ở voi chỉ xảy ra trong 15 năm qua và đây là một kết quả đáng kinh ngạc mà nghiên cứu trên đã phát hiện ra.
Do không có ngà nên các con voi ở Gorongosa đã thay đổi chế độ ăn, không còn tước vỏ cây như trước. Con không ngà chủ yếu ăn cỏ, còn con có ngà ăn nhiều loại thực vật cứng hơn. Thay đổi này sẽ kéo dài ít nhất vài thế hệ voi.
Các quốc gia khác cũng đã chứng kiến những mô hình tương tự. Tại vườn quốc gia Nam Luangwa của Zambia, tỉ lệ cá thể cái không có ngà đã tăng từ 10% lên 38% từ năm 1969 đến năm 1989. Tại vườn quốc gia Addo của Nam Phi, 98% cá thể cái không có ngà.
Những xu hướng này cho thấy ngay cả những sinh vật to lớn, sinh sản chậm cũng có thể nhanh chóng thích nghi với những áp lực đặc biệt do con người gây ra. Nhưng điều đó cũng đi kèm với một bất lợi vô cùng: Việc các cá thể cái không mọc ngà có thể sẽ điều hướng hoạt động săn trộm tập trung vào các cá thể đực và gây tổn thất lớn đối với loài động vật da dày.
Ngay cả khi sự tiến hóa của việc không có ngà có thể cứu voi cái khỏi những tay săn chuyên nghiệp thì việc mất đi bộ ngà dũng mãnh cũng khiến chúng gặp rất nhiều khó khăn. Những chiếc ngà không chỉ để trưng bày. Voi sử dụng chúng làm công cụ để lột vỏ cây và đào khoáng chất từ đất.