Xôn xao thông tin quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thuộc diện phải sáp nhập trong 2 năm tới?

Trong giai đoạn 2023- 2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định, Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.
Thống nhất sáp nhập 2 huyện, 16 xã và xây dựng chính quyền một cấp ở huyện Lý SơnHà Nội sẽ sáp nhập 21 xã, phường do chưa đủ tiêu chíSáp nhập 5 xã, giải thể 1 xã để xây sân bay Long Thành

Báo cáo tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính vừa diễn ra, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, giai đoạn 2019-2021, Thành phố đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 6 phường; không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.

Trong giai đoạn 2023- 2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định, Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập. Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đáp ứng yêu cầu; phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương, nhất là yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa…

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng.

Xôn xao thông tin quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thuộc diện phải sáp nhập trong 2 năm tới? - Ảnh 1
Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng. (Ảnh minh họa)

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000. Trong hai năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.

Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.

Hiện nay, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã và 579 đơn vị hành chính cấp xã 383 xã, 175 phường, 21 thị trấn.

Trao đổi bên lề Hội thảo góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng ngày 1/8, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Hữu Thành cho biết, việc sắp xếp, sáp nhập lại đơn vị hành chính dựa trên các tiêu chí tại nghị quyết số 1211 và nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, ngoài tiêu chí đảm bảo dân số và diện tích tự nhiên thì vẫn phải xét tới yếu tố đặc thù như đã ổn định từ năm 1945; liên quan tới văn hóa, lịch sử dân tộc.

Đối với chủ trương sáp nhập quận Hoàn Kiếm, hiện mới chỉ được đánh giá trên tiêu chí là quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Ngoài ra, các bộ ngành liên quan sẽ còn phải xem xét những yếu tố đặc thù khác về điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống dân tộc, lịch sử.

Thực tế quận Hoàn Kiếm không đáp ứng đủ tiêu chí về diện tích tự nhiên theo quy định. Cụ thể, theo Nghị quyết 1211 của Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận phải có từ 150.000 người trở lên, rộng 35 km2 trở lên và 12 phường trực thuộc.

Trong khi đó, quận Hoàn Kiếm chỉ có 5,5 km2, quy mô dân số khoảng 155.000 người. Do đó, nếu một quận chỉ đạt 20% diện tích tự nhiên thì dân số phải đạt trên 200% thì mới không thuộc diện phải sắp xếp. Đó là chưa tính tới yếu tố lịch sử.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là báo cáo rà soát của Hà Nội về mặt chính sách, chưa phải là quyết định. Về quy trình, Hà Nội sẽ phải xây dựng phương án tổng thể và gửi Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu. Sau khi Bộ duyệt phương án, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng phương án cụ thể hơn cho lộ trình sáp nhập.

Đánh giá về chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Việt Nam cho rằng, việc này rất phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước theo tinh thần của nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản bộ máy hành chính.

Tuy nhiên, theo bà Oanh, phải có lộ trình riêng cho Hà Nội, bởi đây là thủ đô ngàn năm văn hiến, có rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học và bộ mặt của cả nước. Hà Nội không thể nằm ngoài chủ trương theo nghị quyết của Quốc hội, nhưng sẽ cần phải tính đến yếu tố cụ thể và yếu tố đặc thù cụ thể.

Nhấn mạnh quan điểm không ủng hộ sáp nhập quận Hoàn Kiếm, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, trong các nghị quyết của Đảng và Trung ương, Hà Nội là thủ đô của cả nước. Còn quận Hoàn Kiếm là địa bàn mang đậm dấu ấn Thăng Long - Hà Nội, không thể phá đi dấu ấn đó bằng một quyết định sáp nhập.

Cũng theo ông Nghiêm, từ năm 1954, quận Hoàn Kiếm đã ổn định, là địa bàn rất đặc thù về lịch sử và văn hóa, do đó không nên đặt vấn đề sáp nhập quận mà nên giữ nguyên như hiện tại.

Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng.

Điển hình là Quần thể di tích Hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19-8, Nhà Thờ Lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chợ Đồng Xuân.

Lan Anh

Xem thêm

Liên kết