Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) phản ánh về tình trạng người dân tự ý phát nương làm rẫy trên nhiều diện tích đầu nguồn tại khu vực Ngòi 2, Ngòi Lăn, Nhược khiến những cánh rừng này trơ trọi không một bóng cây, nhiều khu vực rừng thuộc diện tích rừng già đầu nguồn đã không còn màu xanh như vốn có. Thậm chí, hàng loạt gốc cây bị đốt trơ trụi, cháy lan ra những cánh rừng khác, nhuộm một mảng đen rộng lớn giữa đại ngàn.
Qua tìm hiểu, tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy diễn ra nhiều năm qua. Cao điểm nhất của việc chặt phá, đốt rừng là vào những ngày thời tiết nắng nóng gần đây.
Ngày 25/5, PV Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có mặt tại khu vực người dân phản ánh để ghi nhận vụ việc. Từ đường lớn ĐT163, chúng tôi mất cả tiếng đồng hồ vật lộn với những con dốc cao ngất, những cung đường vòng vèo uốn lượn lưng chừng của những dãy núi cao trên 1.000 m so với mặt nước biển để vào sâu bên trong những cánh rừng đầu nguồn.
Vượt khoảng chừng 10 km trên cung đường độc đạo trắc trở để có mặt tại địa điểm được mệnh danh là “điểm nóng” về tình trạng khai thác, chặt phát rừng trái phép tại khu vực Ngòi 2, Ngòi Lăn, Khe Nhầy, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Suốt dọc đường đi, tới đâu cũng thấy bạt ngàn một màu xanh của cây cối phủ kín núi, đồi. Thế nhưng ngay khi đến đầu địa phận Ngòi Lăn, những khoảng trống rộng lớn lộ ra, cây cối ở đây đã bị đốn hạ sạch sẽ, chỗ thì trơ toàn đất đá, chỗ thì lác đác cây cỏ tự nhiên mọc, một số ít diện tích được phủ kín bởi những cây con vừa mới trồng…
Dọc hai bên đường chúng tôi đều dễ dàng bắt gặp những quả đồi trọc lốc, rộng tới vài ha, càng đi sâu vào phía trong thì diện tích rừng bị chặt phá lại càng nhiều. Thậm chí có quả đồi cây cối bị đốn hạ từ chân lên tới tận đỉnh và gốc cây cũng bị đốt cháy. Ngay cả những ngọn núi nằm rất xa so với đường đi, cao chót vót nhưng cây cối trên đỉnh cũng bị đốt, phá sạch.
Tại đây, hình ảnh những cánh rừng bị cạo trọc không thương tiếc, nhiều gốc cây to bị vát đến nửa gốc và đốt cháy đen, những cánh rừng già cũng thưa thớt cây còn sống, nhiều khoảng bị chặt bay trắng không còn nhận ra đây là khu vực rừng đầu nguồn.
Theo phản ánh của người dân, mùa mưa bắt đầu là vụ mùa mới của đồng bào dân tộc, bà con mở rộng diện tích đất sản xuất bằng cách phá rừng. Diện tích rừng mới bị chặt ngay bên cạnh những đám lửa của những cây gỗ cũ. Nhiều cây rừng, gốc bị đốt cháy, ngọn vẫn xanh, rồi cây chết từ từ để chuẩn bị phục vụ cho mùa làm nương rẫy vào mùa mưa kế tiếp. Đa phần loại cây người dân trồng là các cây quế, loại cây được trồng phổ biến trên địa bàn hoặc cây nông nghiệp ngắn ngày, phục vụ nhu cầu trước mắt như sắn, ngô.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 25/5, PV Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với bà Đinh Thị Hồng Loan - Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng. Qua buổi làm việc, Bà Loan xác nhận có tình trạng đốt nương làm rẫy: “Mới đây chính quyền địa phương cũng nhận được tin báo về việc chặt phá, đốt rừng và có tình trạng cháy lan tại khu vực rừng đầu nguồn khu vực Ngòi 2”.
Vị lãnh đạo xã này cho biết thêm: “Hôm qua, UBND xã Châu Quế Thượng cũng cử cán bộ cùng phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn vào khu vực xảy ra vụ việc kiểm tra thực tế, đo lại diện tích rừng bị cháy, lâm sản bị hủy hoại, đồng thời UBND xã cũng đang làm báo cáo để chuyển UBND huyện Văn Yên để xin ý kiến chỉ đạo và có hướng xử lý vụ việc này. Sau khi có thông tin, số liệu, diện tích cụ thể sẽ thông tin lại cho cơ quan báo chí”.
Ngày 18/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Trong đó, chấn chỉnh tình trạng san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng; xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, nhất là trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên; chỉ đạo hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý nghiêm các vụ án hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp đặc biệt là các hành vi hủy hoại rừng.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Đỗ Tuấn