Chuyển dịch năng lượng: Chính sách là công cụ vàng của Việt Nam (Kỳ cuối)

Không làm chủ công nghệ và vốn, tuy nhiên Việt Nam có lợi thế thu hút đầu tư vào chuyển dịch năng lượng nhờ sử dụng tốt công cụ chính sách. Theo đó, xây dựng chính sách linh hoạt, có cơ chế phản hồi nhanh là giải pháp được chuyên gia đề xuất.
Chuyển dịch năng lượng: Nhận diện nguồn lực đầu tư tại Việt Nam (Kỳ 3)Chuyển dịch năng lượng: Nắm bắt cơ hội vàng, vượt qua thách thức (Kỳ 2)Chuyển dịch năng lượng: Xu hướng toàn cầu và chiến lược của Việt Nam (Kỳ 1)Chuyển dịch năng lượng tái tạo: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

“Không thể thay đổi chính sách qua một đêm”, đó là khẳng định của TS Nguyễn Thị Diệu Trinh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi có ý kiến quan ngại về tốc độ ban hành chính sách có thể làm lỡ cơ hội đầu tư của nhiều doanh nghiệp.

Trên thực tế, sau khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020, một thời gian dài chưa có quyết định thay thế, quy định về giá điện mặt trời mới khiến nhiều nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp lo lắng, băn khoăn không biết có nên tiếp tục vào điện mặt trời hay không. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần đẩy nhanh tốc độ ban hành các văn bản, chính sách hỗ trợ thị trường.

tm-img-alt
CSR - Corporate Social Responsibility là cụm từ chỉ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Diệu Trinh, làm chính sách rất khó, không thể thay đổi chính sách trong “một sớm, một chiều” mà cần có lộ trình và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có thể nhìn từ góc độ doanh nghiệp cần ngay và rất quyết liệt. Tuy nhiên nhìn lâu dài, tổng thể về tác động đối với xã hội thì chưa thể giải quyết ngay lập tức. Con số 1% người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận nguồn điện cũng là điều mà Chính phủ đang rất trăn trở.

“Nhiều doanh nghiệp chỉ trích Chính phủ, họ đầu tư nhiều nhưng Chính phủ không đáp ứng những đề xuất thì họ sẽ qua chỗ khác. Vậy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở đâu? Họ toàn chọn chỗ ngon, chỗ tốt vậy chỗ không ngon, không tốt thì ai gánh? Nếu có bất ổn xã hội thì ai sẽ là người xử lý, đó chính là trách nhiệm của cơ quan Chính phủ nhằm cân bằng lợi ích”, TS Nguyễn Thị Diệu Trinh trao đổi.

Đồng thời, bà Trinh cũng nêu lên một thực trạng đáng buồn hiện nay. Đó là danh mục những dự án kêu gọi đầu tư PPP hay đầu tư cho biến đổi khí hậu, thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay không hấp dẫn nhà đầu tư trong nước. Từ đó, Phó Vụ trưởng Vụ khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến năng lực của các nhà đầu tư trong nước liệu có thua kém nhà đầu tư nước ngoài, đâu là nguyên nhân khiến nhà đầu tư trong nước không cạnh tranh được với nhà đầu tư nước ngoài trong việc thực hiện các dự án của nước nhà.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Thị Diệu Trinh cũng đề nghị các doanh nghiệp lớn cần chú trọng hơn nữa trách nhiệm đối với xã hội, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường kết nối, hợp tác, cởi mở với các cơ quan chuyên môn nhằm tháo gỡ các khó khăn, rào cản, thay đổi cách nhìn nhận vấn đề sâu rộng thay vì ngắn hạn như hiện nay.

“Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ thu hút những tập đoàn kinh tế lớn mà còn đàm phán quỹ khí hậu quốc tế để tìm nguồn lực đầu tư vào năng lượng, mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp nội địa”, TS Nguyễn Thị Diệu Trinh cho biết.

Xây dựng chính sách linh hoạt, có cơ chế phản hồi nhanh

Theo bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), thời gian qua sự chuyển dịch năng lượng đã đem lại lợi ích cho một số đơn vị, kèm theo đó cũng đem lại nhiều lợi ích chung, người dân được sống trong môi trường tốt hơn, sạch hơn. Tuy nhiên, bà Khanh cho rằng cần điều chỉnh công suất cho từng giai đoạn, và có cơ chế hấp dẫn, không nên phát triển quá nóng trong một giai đoạn ngắn.

tm-img-alt
Bà Ngụy Thị Khanh -Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID). 

“Điện mặt trời tăng mạnh, rõ ràng là thị trường đã chuyển biến quá nhanh, chính sách không đáp ứng thực tế, cần cơ chế để phản hồi nhanh hoặc xây dựng những chính sách linh hoạt. Thời gian vừa qua chính sách làm nhà đầu tư vào ào ào nhưng cũng vì chính sách mà phải dừng lại, vậy niềm tin của các nhà đầu tư sẽ ở đâu trong câu chuyện huy động vốn?”, bà Khanh đưa ra quan điểm.

Giám đốc điều hành GreenID nhận định, trong câu chuyện chuyển dịch năng lượng, Việt Nam không làm chủ về công nghệ, không làm chủ về vốn. Tuy nhiên, chúng ta có công cụ chính sách. Nếu làm tốt sẽ điều chỉnh được thị trường và mở ra nhiều cơ hội tốt cho Việt Nam. Ở chiều ngược lại, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội và vấp phải nhiều trở ngại nếu không biết phát huy lợi thế về chính sách.

Bên cạnh đó, bà Khanh cũng đưa ra lưu ý liên quan đến việc đón đầu các cơ hội đến từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết và sự chuyển dịch năng lượng đang diễn ra sâu rộng. Cụ thể, bà Khanh cho rằng, để nắm bắt các cơ hội, Việt Nam cần chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực nguồn lao động trẻ và dồi dào để đáp ứng yêu cầu mới, khi mà khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển và đòi hỏi về chất lượng nhân lực ngày càng cao.

Vương Liễu
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường