Chuyển đổi năng lượng - “xương sống” của phát triển bền vững ở VN

Thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0” trong thời gian tới, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP.
Đảm bảo an ninh năng lượng trong việc thực hiện cam kết tại COP26Phát triển năng lượng trong tiến trình thực hiện cam kết COP26Lưới điện thông minh thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt NamBộ TN&MT: "Năng lượng tái tạo phải trở thành hàng hóa công cộng"

1 triệu người Việt có nguy cơ “nghèo” vào năm 2030

Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR)” vừa được Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố. Đây là một trong những báo cáo đầu tiên trong chuỗi các đánh giá cấp độ quốc gia, đề xuất một lộ trình mới giúp dung hòa các khát vọng về tăng trưởng và khí hậu của Việt Nam.

Theo đó, 184 tỷ USD tính theo giá trị hiện tại - đó là mức đầu tư tối thiểu cần huy động từ khu vực tư nhân từ nay đến năm 2040 để giúp Việt Nam nâng cao khả năng chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu và theo đuổi lộ trình tăng trưởng kinh tế với mức phát thải ròng bằng 0.

Với hơn 3.200 km đường bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Nếu không có các biện pháp phù hợp, ước tính, Việt Nam sẽ mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến khoảng một triệu người 'rơi' vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Theo WB, từ vị thế là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vươn lên thành một thị trường mới nổi năng động, Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro ngày một nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Thiệt hại đã bắt đầu làm suy yếu tăng trưởng, chỉ tính riêng năm 2020, Việt Nam đã mất 10 tỷ USD, tương đương 3,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), do tác động của biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi năng lượng là “xương sống” của phát triển bền vững ở Việt Nam - Ảnh 1
Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro ngày một nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Đặc biệt là sự gia tăng lượng phát thải khí nhà kính. Việt Nam đã từng là quốc gia phát thải khí nhà kính rất thấp nhưng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới trong 2 thập kỷ qua. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát thải khí nhà kính nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phát thải khí nhà kính của Việt Nam gắn liền với tình trạng ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe con người và năng suất lao động tại nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội.

Nếu không làm gì, thì theo kịch bản phát triển như bình thường với rất ít những nỗ lực giảm thiểu trên phạm vi toàn cầu, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất tới 14,5% GDP mỗi năm trong khoảng 30 năm tới. Và nếu không có các biện pháp nâng cao sức chống chịu một cách toàn diện, tác động của biến đổi khí hậu có thể đẩy một triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong vòng chưa đầy một thập kỷ.

Xây dựng lộ trình chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu

Để cân bằng khát vọng tăng trưởng trong tương lai và giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương trước các rủi ro khí hậu, báo cáo CCDR khuyến nghị Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách triển khai hai lộ trình song song - một là xây dựng khả năng chống chịu và hai là giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải carbon trong quá trình tăng trưởng.

Báo cáo CCDR cũng cho biết quá trình chuyển đổi năng lượng cần là xương sống trong chương trình phát triển của đất nước và nhiều quyết định đầu tư sẽ phải được tính toán trước để đảm bảo hiệu quả về chi phí. Khi kết hợp các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng chính những nỗ lực giảm phát thải carbon của mình để thúc đẩy các mục tiêu phát triển, sao cho việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP.

Cũng theo World Bank, để đối phó với những xu hướng biến đổi khí hậu trong tương lai, đặc biệt là thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0” trong thời gian tới, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040 vào cơ sở hạ tầng, công nghệ mới và các chương trình xã hội.

Trong đó, Việt Nam cần có lộ trình xây dựng khả năng thích ứng phù hợp để bảo vệ tài sản, cơ sở hạ tầng và con người của đất nước. Các biện pháp thích ứng cần tập trung vào những lĩnh vực và địa điểm dễ bị tổn thương nhất của đất nước, đặc biệt là nông nghiệp, giao thông, thương mại và công nghiệp, các vùng ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, Việt Nam cần có lộ trình “khử” carbon, tiến tới mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là Việt Nam cần kết hợp chuyển đổi mạnh mẽ hơn sang năng lượng tái tạo với các giải pháp trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và công nghiệp; cải thiện hệ thống giao thông công cộng và áp dụng khắt khe đối với các phương tiện xe cơ giới,…

Thứ ba là tài trợ cho quá trình chuyển đổi, huy động tài chính trong nước và tìm kiếm hỗ trợ từ bên ngoài. Trong đó, nguồn vốn tư nhân tương đương khoảng 3,4% GDP mỗi năm có thể được huy động thông qua tín dụng xanh từ các ngân hàng, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro.

Một trong những giải pháp ban đầu hiệu quả có thể là đưa nguồn vốn ở dạng tiết kiệm của khu vực tư nhân trong nước sang đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh này, chính phủ nên xem xét đánh giá những rủi ro liên quan đến khí hậu đối với khu vực tài chính ở Việt Nam, giúp nâng cao khả năng đoán định về các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới. Khoảng 55% dư nợ cho vay của các ngân hàng hiện đang dành cho các doanh nghiệp và người dân ở những vùng dễ bị tổn thương về khí hậu, bao gồm các tỉnh Đông Nam Bộ, ĐBSCL và các tỉnh ven biển.

Ngoài ra, những giải pháp tập trung hơn vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến khí hậu, bao gồm điều chỉnh khung pháp lý hợp tác công-tư (PPP), có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này sẽ khuyến khích khu vực tư nhân tích cực tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu do cho phép họ chia sẻ rủi ro khi đầu tư. Hơn nữa, phương pháp quản lý vòng đời tài sản có thể đặc biệt hữu ích đối với Việt Nam, vì có thể huy động một phần lớn nguồn tài chính cần thiết từ khu vực tư nhân thông qua các hợp đồng quản lý hoặc PPP. Theo phương thức này, chính phủ giữ quyền kiểm soát tài sản nhưng chuyển giao các hoạt động quản lý hàng ngày cho khu vực tư nhân.

Tháng 7/2021, trang mạng asiatimes.com đăng bài viết nhận định Việt Nam đang có những bước tiến nhanh chóng trong việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch trong thế giới hậu COVID-19.

Đồng thời, trong chiến lược phát triển năng lượng, nhiệt điện than cũng liên tục được điều chỉnh từ trên 50 ngàn MW trước đó xuống 47 ngàn MW và trong tờ trình Quy hoạch điện VIII mới nhất, tháng 4/2022 xuống còn 37,4 ngàn MW vào năm 2030. Tỷ trọng nhiệt điện than giảm dần từ 25,7% vào 2030 và giảm về còn 9,6% năm 2045.

Có thể thấy, chuyển dịch năng lượng không chỉ để ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn là nhân tố giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều dự án FDI có chất lượng trong thời gian tới, vì nó chuyển tải đắc lực thông điệp “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Lan Anh