Phát triển năng lượng trong tiến trình thực hiện cam kết COP26

Với cam kết tại COP26, Việt Nam đang đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu về phát triển năng lượng sạch và giảm phát thải khí nhà kính.
Lưới điện thông minh thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt NamPhát triển năng lượng sạch, giải pháp bền vững cho tương lai ngành điệnBộ TN&MT: "Năng lượng tái tạo phải trở thành hàng hóa công cộng"Đảm bảo an ninh năng lượng trong thách thức mớiNhu cầu và rào cản về nguồn nhân lực trong chuyển dịch năng lượng

Xu thế toàn cầu: Tăng trưởng xanh, ít phát thải

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn (hiện đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN).

Tại Hội nghị COP26, đoàn cấp cao của Việt Nam đã phát biểu tại các phiên họp quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của Việt Nam như: Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tham gia sự kiện công bố cam kết giảm phát thải metan toàn cầu; công bố Tuyên bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất… Điều đó đã thể hiện tầm nhìn thời đại, quyết tâm và cam kết chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước trong đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế, góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Do đó, phát triển ít phát thải sẽ là xu thế chủ đạo để Việt Nam tiếp tục thay đổi toàn diện mô hình phát triển từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sử dụng nhiều tài nguyên sang mô hình phát triển theo hướng ít phát thải. Đây cũng là xu hướng chung toàn cầu.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội nghị Tổng kết Tháng Năng lượng tái tạo năm 2021 do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức mới đây. Theo báo cáo từ Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên thế giới, từ dựa trên năng lượng hoá thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng "0". Vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho rằng, các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì, phát triển rừng và bảo vệ các hệ sinh thái. Cùng với đó, các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với cam kết tại COP26, Việt Nam đang đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu về phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải. Cam kết đưa phát thải ròng về “0” đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Phát triển năng lượng tái tạo trong tiến trình thực hiện cam kết COP26 - Ảnh 1
Việt Nam đã đưa ra các cam kết với một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm xây dựng một nền kinh tế carbon thấp, chuyển đổi sang năng lượng sạch. (Ảnh internet)

Bà Đặng Hồng Hạnh, Đồng sáng lập & Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) nhận định, các kịch bản giảm phát thải tham vọng tới 2050 trong các ngành và tiểu ngành sẽ dựa trên các công nghệ giảm phát thải khả thi hiện nay, vẫn còn khoảng 238 triệu tấn giảm phát thải cần đạt được để đạt mục tiêu Net Zero, kể cả với các kịch bản tham vọng trong các ngành phát thải khí nhà kính.

“Trong tương lai, cần sự đột phá về công nghệ sản xuất điện năng và lưu trữ điện năng quy mô lớn để bảo đảm tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm 90% sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Đồng thời nguồn năng lượng mới ở quy mô công nghiệp (hydro xanh từ năng lượng tái tạo sử dụng thay thế cho giao thông... các công nghệ lưu trữ và hấp thụ carbon khả thi với quy mô lớn” – bà Hạnh kiến nghị giải pháp.

Triển khai hành động hướng tới cam kết tại COP26

Tại hội nghị COP26 Việt Nam đã đưa ra các cam kết với một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm xây dựng một nền kinh tế carbon thấp bằng cách ngừng xây dựng các nhà máy sử dụng năng lượng than và chuyển đổi sang năng lượng sạch. Đây là một sự khác biệt đáng kể so với các kế hoạch năng lượng hiện nay và cũng là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã đưa ra quyết định chính trị để chuyển sang một cơ cấu năng lượng đa dạng hơn và ít sử dụng carbon hơn.

Thông qua việc này, Việt Nam cũng tạo ra cơ hội giảm thiểu các mối đe dọa đối với Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách nhập khẩu điện từ CHDCND Lào, loại trừ các đập thủy điện có rủi ro cao và ưu tiên nhập khẩu từ các nhà máy năng lượng mặt trời, gió và thủy điện ít có tác động.

Ngay sau khi Hội nghị COP26 kết thúc, Chính phủ Việt Nam đã bắt tay vào triển khai các công việc để cụ thể hóa các cam kết. Trong đó, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tích cực, chủ động làm việc với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển để tranh thủ hợp tác về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại Hội nghị COP26.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh góp phần đạt được mục tiêu cam kết; hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Việt Nam triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo…

Các cam kết mạnh mẽ, đặc biệt là cam kết giảm phát thải và đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại COP26 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngay sau COP26, Chính phủ Việt Nam đã triển khai những bước đi đầu tiên của lộ trình triển khai cam kết tại COP26.

Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2157/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, đánh dấu bước đi đầu tiên của Việt Nam trong lộ trình hiện thực hóa những mục tiêu đầy tham vọng của mình.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tăng cường điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu giữa các bộ, ngành, địa phương và hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các nước.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã phân tích, thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; các định hướng đề xuất chương trình, dự án triển khai; nhu cầu hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển; định hướng rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đón đầu các dòng vốn tín dụng, đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng..,

Phát triển năng lượng tái tạo trong tiến trình thực hiện cam kết COP26 - Ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu ấn tượng tại COP26, nhiều lãnh đạo các nước, các đối tác chia sẻ và đánh giá cao. (Ảnh: TTXVN)

Ngay trong cuộc họp đầu tiên ngày 13/1/2022, Ban chỉ đạo đã yêu cầu tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch;

Hai là, giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực;

Ba là, giảm phát thải khí metan, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải;

Bốn là, khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sử dụng ô tô điện;

Năm là, quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng mới để hấp thụ, lưu giữ các- bon;

Sáu là, nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững;

Bảy là, đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26;

Tám là, đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chỉ ít ngày sau cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Theo đó, có 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải. Bên cạnh đó, 1.662 cơ sở thuộc ngành công thương; 70 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải; 104 cơ sở thuộc ngành xây dựng; 76 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành tài nguyên và môi trường.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch

Tại hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần đặt biến đổi khí hậu và quản lý môi trường làm trọng tâm của phát triển kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký một cam kết do Vương quốc Anh đứng đầu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và ngưng sử dụng than đá.

Theo đó, những cam kết này được xây dựng trong bối cảnh sự bùng nổ gần đây về năng lượng mặt trời và điện gió và nhu cầu đảm bảo khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong một thế giới có năng lượng carbon thấp và mang tính bền vững về môi trường là chìa khóa để thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2020, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 55 về “Định hướng Chiến lược Phát triển Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” tạo cơ sở chính trị cho việc Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Việc Việt Nam cam kết không xây dựng các dự án điện than mới trừ những dự án đã và đang phát triển đòi hỏi phải có những thay đổi sâu rộng. Hiện nay, điện than chiếm khoảng 1/3 tổng công suất năng lượng và một số dự án đã và đang được xây dựng. Dự thảo Quy hoạch điện VIII vào tháng 10/2021 đã đề xuất bổ sung 41.000 MW điện than vào năm 2030. Trong đó, chỉ 30.000 MW được tính vào các dự án hiện có hoặc đang xây dựng.

Do đó, Việt Nam cần tìm 11.000 MW nguồn năng lượng điện thay thế không dùng than. Để có đủ nguồn cung này đòi hỏi phải đầu tư nhiều vào khí đốt tự nhiên, năng lượng tái tạo và nhập khẩu điện.

Về khả năng mở rộng năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới, Việt Nam đã triển khai tăng lượng điện từ năng lượng mặt trời từ mức gần bằng 0 vào năm 2017 lên đến 18.000 MW vào cuối năm 2021. Những khó khăn, thách thức chủ yếu liên quan đến vấn đề kỹ thuật như lưu trữ, truyền tải năng lượng và mức độ an toàn của lưới điện.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại nằm ở quy chế. Cho đến nay, thành công của Việt Nam trong việc mở rộng năng lượng mặt trời và gió được thúc đẩy bởi nguồn tài chính trong nước và khu vực. Nhưng để bổ sung 18.000 MW và thậm chí cao hơn con số này đòi hỏi Việt Nam phải huy động nguồn tài chính quốc tế, vốn đang bị loại khỏi thị trường bởi các điều khoản của thỏa thuận mua bán điện (PPA) trong đó có mức độ rủi ro cao về giá cả và làm e dè các nhà đầu tư phát triển. Các quỹ quốc tế chỉ đầu tư khi thỏa thuận mua bán điện PPA có thể bảo đảm từ ngân hàng.

Từ thực tế đó, trong các cuộc làm việc, gặp gỡ với các chuyên gia quốc tế, Bộ trưởng kêu gọi các tổ chức sớm triển khai các hoạt động hợp tác, chung tay cùng Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm thực hiện các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26. Cũng tại phiên họp về ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững giữa các Lãnh đạo ASEAN với các Bộ trưởng Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong Hoa Kỳ triển khai hiệu quả hợp tác trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Mekong - Hoa Kỳ, góp phần bảo đảm chất lượng phát triển, hỗ trợ phát triển đồng đều và bền vững. Thủ tướng đồng thời đề cao nỗ lực của các nước, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, xây dựng hạ tầng chất lượng cao, hướng tới phát triển xanh và bền vững.

TS Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia kinh tế cao cấp, Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) chia sẻ, cần hướng tới xây dựng Luật Năng lượng xanh (gồm cả năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng) tạo khung pháp lý và chính sách khuyến khích phát triển năng lượng xanh, tái tạo ổn định thì mới huy động được tài chính xanh cho năng lượng xanh, tái tạo; từ đó mới thực thi được cam kết Net Zero và giảm điện than của Việt Nam.

Đồng thời, cần chuyển đổi chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo từ cơ chế giá ưu đãi FIT sang cơ chế đấu thầu đổi mới sáng tạo. Tức là đấu thầu khoản khuyến khích của nhà nước cho năng lượng tái tạo theo điều kiện thị trường, trong đó khuyến khích cao hơn đối với hệ thống năng lượng tái tạo tích năng. Cùng với đó, có các chính sách ưu đãi cụ thể nhằm khuyến khích các công cụ tài chính xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh để phát triển năng lượng xanh, tái tạo.

Lan Anh

Xem thêm

Liên kết