Đảm bảo phát triển năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này.
Nỗi lo thừa điện sau 'cơn sốt' năng lượng tái tạoNghịch lý thừa năng lượng tái tạoChuyển dịch năng lượng tái tạo: Cơ hội và thách thức cho Việt NamNăng lượng tái tạo: Tính ưu việt và khả năng tái chế cao

Năng lượng tái tạo phát triển đột phá trong thời gian ngắn

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng trong đó có năng lượng tái tạo, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất các khuôn khổ pháp lý xây dựng thị trường điện cạnh tranh, thu hút đầu tư của xã hội vào ngành năng lượng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

“Chính cơ chế ưu đãi đã thu hút được lượng lớn đầu tư xã hội hóa vào năng lượng tái tạo. Cụ thể, phải kể đến việc áp dụng giá mua ưu đãi cố định trong 20 năm với các mức giá khác nhau đối với từng loại hình năng lượng tái tạo; Giá bán điện được tham chiếu theo đồng USD, thanh toán bằng đồng Việt Nam theo tỉ giá tại thời điểm thanh toán; Hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công Thương ban hành; Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất ở mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành”, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), ông Hoàng Tiến Dũng cho biết. 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), những năm gần đây, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (các Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ) đã mang lại sự phát triển bùng nổ đối với năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng ở Việt Nam.

Trong đó, cần phải nhắc đến vai trò to lớn của Nghị quyết số 55 về Định hướng Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Chính trị ban hành ngày 11/2/2020. Nghị quyết đề ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; Cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

“Nghị quyết số 55 đã soi chiếu, góp phần tạo ra những bước đột phá cho ngành năng lượng Việt Nam. Chỉ tính riêng điện gió, điện mặt trời trong vòng 3 năm từ 2018 - 2020, từ chỗ chỉ sản xuất được có mấy trăm MW/năm thì đến nay sản lượng đã đạt trên 16.000 MW. Đây là con số rất khủng khiếp mà chưa nước nào trong khu vực Đông Nam Á làm được như vậy”, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định.

Mới đây, trang energyvoice.com dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất của IHS Markit (Anh) cho thấy, Australia, Nhật Bản và Việt Nam đang dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực và đứng đầu trong số các thị trường mới nổi khi Việt Nam đưa ra biểu giá điện tốt để thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời.

Không phát triển ồ ạt theo phong trào

Thời gian qua, việc phát triển điện mặt trời ở nước ta đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời có nhiều tiềm năng ở nước ta, qua đó đảm bảo cung ứng điện, an ninh năng lượng. Tuy nhiên, sự phát triển thần tốc này cũng làm phát sinh nhiều vấn đề. 

Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, trên thực tế, việc quy hoạch các dự án nguồn điện đều đồng bộ với quy hoạch lưới điện. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng, tiến độ xây dựng nhà máy điện mặt trời sẽ nhanh hơn nhiều so với tiến độ xây dựng công trình lưới điện (đường dây và trạm biến áp). Điều này khiến dẫn đến tình trạng quá tải ở một số khu vực chủ yếu là Ninh Thuận, Bình Thuận, một số nhà máy điện mặt trời, điện gió phải cắt giảm công suất.

tm-img-alt
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. (Bộ Công Thương)

Ngoài ra, sau khi cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực vào ngày 31/12/2020, giá mua điện mặt trời từ các dự án vẫn chưa có quyết định mới. Việc phải cắt giảm công suất, chưa có biểu giá mới khiến nhiều chủ đầu tư bức xúc, lo lắng, thậm chí đứng trước nguy cơ “ôm nợ” khi phần vốn thực hiện dự án chủ yếu được huy động từ các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh theo hướng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, khiến nhu cầu sử dụng điện giảm, gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia.

Cuối tháng 12/2020, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt khoảng 245,9 tỉ kWh, tăng khoảng 2,7% so với năm 2019 và giảm 15,6 tỉ KWh so với kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối năm 2019. Chính vì vậy, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia.

Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo, trong đó có hơn 500 triệu do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500 KV.

Trước tình hình trên, ngày 17/2/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương, các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào, thiếu sự kiểm soát gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này.

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao các đơn vị thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại các địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua, bảo đảm theo đúng quy định. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có, nhất là các hành vi trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời áp mái thời gian qua.

Báo cáo của EVN cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

Tường Anh

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường