Đơn vị bảo tồn rừng lại đi phá rừng?

Đó là diện tích rừng tự nhiên hơn 3,7 ha, thuộc ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) nằm trong rừng tự nhiên hàng chục năm tuổi do Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai (sau đây gọi tắt là Khu Bảo tồn), quản lý, sử dụng đã bị chặt phá. Điều đáng nói, đơn vị có chủ trương thực hiện việc này chính là Ban Giám đốc Khu Bảo tồn, lấy cớ dọn cây bụi, dây leo, cây tái sinh để thực hiện đề tài trồng thí nghiệm cây dược liệu, khiến dư luận bất bình.
Sim rừng ở Điện Biên liên tiếp bị tận diệtĐi nhặt hạt dẻ rừngAi tiếp tay vụ phá 2 ha rừng ở huyện miền núi Bá Thước?
don vi bao ton rung lai di pha rung

Lấy cớ dọn dây leo để chặt cây gỗ lớn

Sau khi tiếp nhận thông tin về việc rừng tự nhiên hàng chục năm tuổi bị chặt phá ở khu vực đồi 90, ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, chiều 25/12, phóng viên Nhân Dân Điện tử đã có mặt tại hiện trường. Theo ghi nhận, rất nhiều gốc cây gỗ hàng chục năm tuổi kích thước to lớn vừa bị chặt, nhiều cây đã bị đốn hạ nhưng chưa kịp mang ra khỏi khu vực, nằm ngổn ngang dưới các tán cây. “Cách đây khoảng một tháng, khu vực này còn nhiều cây rừng tự nhiên xum xuê, hàng chục năm tuổi. Thế nhưng không hiểu lý do gì, cuối tháng 11 vừa qua đã bị đốn hạ hết. Trước đây, đứng chỗ nhà tôi nhìn ra phía trước toàn thấy rừng, giờ chỉ còn lác đác vài cây nhỏ”, bà N.T.N - người dân sống gần khu vực trên, bức xúc nói.

Chủ tịch UBND xã Phú Lý Nguyễn Thị Nga cho biết, khi phát hiện sự việc bất thường tại khu vực trên, chính quyền địa phương đã phối hợp lực lượng kiểm lâm địa bàn kiểm tra. Bước đầu, xác định 61 cây hàng chục năm tuổi bị chặt, có đường kính từ 15 đến 55 cm. “Qua nắm thông tin được biết, việc chặt cây ở khu vực trên là do Ban Giám đốc Khu Bảo tồn chỉ đạo phát dây leo, bụi rậm để trồng cây thuốc. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi đã yêu cầu ngưng chặt và báo cáo cấp trên vào cuộc xử lý”, bà Nga cho hay.

Trả lời phóng viên Nhân Dân Điện tử, Phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng khẳng định, ngay sau khi nhận thông tin vào ngày 27/11, đơn vị và Hạt Kiểm lâm Vĩnh Cửu đã khẩn trương vào cuộc, yêu cầu dừng ngay việc chặt cây rừng. Đồng thời lập biên bản và làm việc với các đối tượng liên quan. Qua kiểm đếm, xác định, tổng diện tích có cây rừng tự nhiên là 3,72ha, trong đó, diện tích cây rừng bị chặt hạ trong phạm vi là 9.800m2. Tổng số gỗ ước sau khi thu hồi và đang tạm giữ là hơn 12,6m3.

Theo tìm hiểu, do diện tích khu vực có nhiều cây gỗ lớn bị chặt nằm tiếp giáp với khu dân cư, cho nên để xác định loại rừng và trữ lượng trên diện tích có cây rừng tự nhiên, lực lượng chức năng đã lập năm ô tiêu chuẩn ở khu vực nói trên, với tổng diện tích mỗi ô là 750m2 theo quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TCLN-KL ngày 23/12/2013 của Tổng cục Lâm nghiệp. Kết quả, trên diện tích năm ô tiêu chuẩn là 3.750m2 có 111 cây; trữ lượng cây rừng là 33,464 m3; trữ lượng diện tích có cây rừng trên một ha là 89,24m3.

Theo quy định tại Thông tư số 33/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì với trữ lượng nêu trên, diện tích có cây tự nhiên 3,72ha tại thửa đất số 151, tờ bản đồ số 33, thuộc quyền sở hữu, quản lý của Khu Bảo tồn là loại rừng tự nhiên lá rộng thường xanh nghèo, ký hiệu TXN.

Sớm xử lý hành động tàn phá tài nguyên rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, diện tích rừng tự nhiên nói trên phải được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Việc không quy hoạch lâm nghiệp đối với diện tích rừng tự nhiên ở khu vực đồi 90 là trách nhiệm của Ban Giám đốc Khu Bảo tồn, đơn vị tiếp nhận, quản lý, sử dụng rừng từ Lâm trường Vĩnh An trước đây.

Sau khi sự việc được phát hiện, trong báo cáo giải trình với cơ quan chức năng Ban Giám đốc Khu Bảo tồn cho rằng, việc tác động dọn cây bụi, dây leo rừng tự nhiên trên diện tích 9.800m2 để phục vụ đề tài trồng thí nghiệm cây dược liệu. Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, khi chuyển đổi rừng sang mục đích khác, Khu Bảo tồn không thực hiện theo quy định, không có phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện đề tài thí nghiệm trồng cây dược liệu.

Một cán bộ kiểm lâm đang tham gia làm rõ vụ việc cho biết, việc tác động phát dọn nhưng trên thực tế đã chặt hạ cây rừng tự nhiên trên toàn bộ diện tích 9.800m2 (còn lại một số cây có đường kính nhỏ), là có dấu hiệu hành vi phá rừng và tội hủy hoại rừng.

Đề nghị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm theo quy định, để kịp thời giáo dục, răn đe những đối tượng vi phạm, đồng thời qua đó, nâng cao công tác tuyên truyền, bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường trong bối cảnh cả nước đang triển khai các biên pháp để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, phức tạp khó lường.

Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 17/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Thông tri số 12-TT-TU ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy Đồng Nai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đều quy định không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định).

Theo Thiên Vương/Nhân dân

Xem thêm

Liên kết