Khủng hoảng khí hậu, nó đã ở đây rồi!
Các quốc gia Địa Trung Hải đang chứng kiến những hậu quả của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu trong suốt những năm qua. Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Síp và Tây Ban Nha đã bị tàn phá bởi những trận cháy rừng và nhiệt độ cao kỷ lục vào mùa hè này. Các nhà khoa học cảnh báo khu vực này đã biến thành một "điểm nóng cháy rừng" trên thế giới.
"Tôi không còn muốn nói về biến đổi khí hậu nữa. Tôi muốn nói về cuộc khủng hoảng khí hậu, nó đã ở đây rồi", Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis của Hi Lạp nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn mới đây.
Theo ông, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần có các chính sách theo chiều ngang, về cơ bản xuyên suốt mọi khía cạnh của đời sống kinh tế và xã hội.
Một ủy ban khí hậu của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng các đợt nắng nóng chết người, các trận cuồng phong lớn và các hiện tượng thời tiết kỳ lạ khác sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trên toàn cầu.
Ông Mitsotakis, 53 tuổi, được đào tạo tại Harvard, đã biến hoạt động chống biến đổi khí hậu trở thành trọng tâm trong các hoạt động của chính quyền Hy Lạp trong nhiệm kỳ của mình. Ngay sau khi đắc cử vào tháng 7/2019, ông đã tuyên bố sẽ lên kế hoạch loại trừ các nhà máy nhiệt điện than từ năm 2028 và gần đây đã thành lập một Bộ bảo vệ dân sự có nhiệm vụ đối phó với các cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu.
Ông Mitsotakis cũng đã tiếp đón các nhà lãnh đạo của 9 quốc gia Nam Âu, ở "tuyến đầu" của biến đổi khí hậu, tại Athens vào thứ Sáu tuần qua, khi họ kêu gọi hành động toàn cầu khẩn cấp như một phần của "tuyên bố Athens" do Mitsotakis khởi xướng.
Hội nghị về khí hậu COP26 của LHQ tại Glasgow sẽ bắt đầu vào ngày 31/10 năm nay nhằm mục đích vận động hành động chống biến đổi khí hậu với những mục tiêu đầy tham vọng. Hội nghị mong muốn, huy động được nhiều nguồn tiền hơn để thực hiện các mục tiêu quan trọng từ các quốc gia trên toàn cầu.
Ông Mitsotakis nói với Reuters, trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ đại diện cho sự "hủy diệt nền văn minh của loài người".
"Chúng ta phải rất, rất, rất rõ ràng. Đây chính xác là những gì đang bị đe dọa. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, hành tinh này sẽ không còn hiếu khách với loài người vào cuối thế kỷ này.
"Ở đây, Địa Trung Hải, chúng ta có gần 6.000 năm văn minh phía sau chúng ta nhưng nhiệm vụ của thế hệ chúng ta là đảm bảo rằng các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục sống và phát triển và thịnh vượng."
Tổ chức Khí tượng Thế giới, một cơ quan của Liên hợp quốc, đã đánh giá số lượng các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra đã tăng gấp 5 lần trong vòng 50 năm qua, giết chết hơn 2 triệu người và thiệt hại tổng cộng 3,64 nghìn tỉ USD.
Chúng ta phải học hỏi từ những sai lầm của mình
Ông Mitsotakis nói, cái giá phải trả của cuộc khủng hoảng là "không thể tưởng tượng nổi" trên quy mô toàn cầu và thậm chí đối với các nền kinh tế quốc gia.
Năm ngoái, lũ lụt ở Hy Lạp đã tiêu tốn nửa tỉ euro và mỗi vụ mùa bị tàn phá bởi thời tiết khắc nghiệt có thể gây thiệt hại hàng trăm triệu USD. Xói mòn bờ biển do mực nước biển dâng là một thách thức khác, đe dọa trực tiếp đến du lịch, một lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với Hy Lạp.
Mitsotakis cho biết, quốc gia này đã giảm 11 triệu tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính kể từ cuối năm 2019. Các nhà chức trách Hy Lạp cũng đang nỗ lực nhanh chóng để tạo nên các "hàng rào", ngăn chặn lũ lụt trong các khu rừng bị tàn phá bởi hỏa hoạn vào mùa hè này.
Trước đó, ông Mitsotakis cũng đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc chính phủ chậm phản ứng đối với các đám cháy vào mùa hè này, khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa của họ. Ông đã lên tiếng xin lỗi vì tất cả thiếu sót còn tồn tại.
Ông nói: “Khi đối mặt với những đám cháy có cường độ như vậy, rõ ràng là chúng ta cần phải làm những điều khác biệt. Vì vậy, chúng tôi cần phải học hỏi từ những sai lầm của mình".