Hiện trường vụ phá rừng phòng hộ ở huyện Thái Thụy. |
Chúng tôi đến lô số 15, thuộc khu 2 rừng ngập mặn xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy), nơi vừa xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng. Tại hiện trường, một chiếc máy múc đất nằm im trên con lạch nhỏ giữa rừng, chung quanh là những bãi bùn đất với rất nhiều thân cây, gốc cây rừng bị xới tung nằm ngổn ngang.
Theo đại diện UBND xã Thụy Trường, vụ việc được phát hiện từ ngày 7/10 vừa qua và người vi phạm là ông Nguyễn Sỹ Bốn (sinh năm 1968), trú tại thôn Chi Chỉ Nam (xã Thụy Trường). Ông Bốn thừa nhận với chính quyền địa phương về việc thuê máy múc để đào xới trong khu rừng phòng hộ, tuy nhiên cho rằng do “thiếu hiểu biết”, không nhận thức rõ tính chất nghiêm trọng của sự việc, mục đích chính là cơi lại bờ để nuôi trồng thủy, hải sản. UBND xã chỉ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ông Bốn khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu vì cho rằng đây chỉ là hành vi lấn chiếm chứ không phải phá rừng.
Qua theo dõi, nắm thông tin, Chi cục Kiểm lâm Thái Bình đã vào cuộc, phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy, UBND xã Thụy Trường kiểm tra, xác định rõ diện tích vi phạm, đánh giá diện tích rừng bị xâm hại bằng phương pháp đo bằng máy định vị GPS trong các ngày 11/11 và 27/11. Kết quả cuối cùng cho thấy, tổng diện tích rừng phòng hộ bị phá là 7.541m2.
Ông Đinh Hải Lục, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Bình cho biết: Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng, diện tích rừng nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng bằng sông Hồng, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) công nhận vào năm 2004. Qua khảo sát, vẽ sơ đồ hiện trạng khu vực rừng bị xâm hại, Chi cục Kiểm lâm Thái Bình xác định, diện tích rừng đã mất kéo dài gần 1 km theo hình cánh cung, bao quanh các dải rừng trưởng thành khác. Rừng ở đây chủ yếu là cây bần, ngoài ra là cây trang có tuổi đời hơn 10 năm. Chiều cao trung bình của cây 5 đến 6m, đường kính 15 đến 20cm. Việc phá rừng dẫn đến nhiều hệ lụy, bởi rừng ngập mặn ở đây có tác dụng làm chậm dòng chảy và phát tán rộng nước triều. Hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất giúp cản sóng, tích lũy phù sa.
Theo kết quả điều tra, nghiên cứu vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) có khoảng 1.000 loài động vật sống trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều và vùng nước cửa sông ven bờ. Với giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học, khu đất ngập nước Thái Thụy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trở thành khu bảo tồn thiên nhiên.
Liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong vụ việc này, ông Phạm Quang Tân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Bình khẳng định: UBND xã Thụy Trường chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ vì theo quy định đây là chủ rừng, đồng thời là cấp hành chính quản lý rừng, đất rừng, con người trên địa bàn và xử lý theo thẩm quyền. Hằng năm, kinh phí quản lý, bảo vệ rừng đều được chuyển về cấp xã để triển khai việc canh giữ rừng. Còn lực lượng kiểm lâm cấp tỉnh có nhiệm vụ phối hợp với chủ rừng tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học rừng theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Văn Nghiên, Chánh Văn phòng UBND huyện Thái Thụy cho biết, vụ phá rừng nghiêm trọng này đã vượt quá thẩm quyền của địa phương, có dấu hiệu vi phạm hình sự nên hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan điều tra. Công an huyện Thái Thụy sẽ thụ lý, làm rõ. Quan điểm của UBND huyện là yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, nhằm răn đe, ngăn ngừa các hành vi phá rừng tái diễn.