Lợi ích từ chất thải tái sinh

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, việc đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng loại các chất thải, phụ phẩm, phế phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến là một biện pháp tiết kiệm và bảo vệ môi trường hiệu quả.
Rác thải điện tử nguy hại cho môi trườngÔ nhiễm rác thải ngày càng trầm trọng‘Chung tay giảm thiểu rác thải – Bảo vệ nguồn nước’Công nghệ xử lý rác thải ở các quốc gia phát triển trên thế giới

Chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất công nghiệp nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Vì vậy, tìm kiếm một giải pháp xử lý chất thải nguy hại phát sinh là yêu cầu cấp thiết, quan trọng cho bất kỳ một doanh nghiệp nào. Việc đẩy mạnh tái sử dụng các loại chất thải không chỉ góp phần giảm nguyên liệu đầu vào mà còn hạn chế phát thải đầu ra. 

Các chuyên gia cho biết hoạt động tái chế rác thải sẽ góp phần đáng kể bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Giới nghiên cứu khẳng định sử dụng vật liệu tái chế sẽ giúp giảm đáng kể mức độ ô nhiễm so với sử dụng vật liệu mới.

Lợi ích thiết thực

Các chất thải, phụ phẩm, phế phẩm trong quá trình sản xuất nếu không được xử lý một cách khoa học, triệt để sẽ gây ô nhiễm cho môi trường. Để giải bài toán này, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh công tác tái sử dụng, tái chế các phế phẩm, phụ phẩm thành những sản phẩm có ích. 

Đơn cử như Công ty Nestlé Việt Nam (TP.HCM) đang triển khai mô hình phát triển năng lượng sinh khối từ bã cà phê sau quá trình sản xuất cà phê. Theo đó, bã cà phê được tách ra sau khi chế biến sẽ được sử dụng làm chất đốt nhiên liệu sinh khối (biomas) cho lò hơi.

Việc này sẽ góp phần giảm phát thải khí CO2, gây ô nhiễm môi trường. Sau một thời gian sử dụng, ước tính, năng lượng sinh khối đã giúp công ty giảm phát thải được 22.600 tấn CO2/năm và qua đó còn giúp thay thế 73% nguồn nguyên liệu mỗi năm mà đơn vị vẫn sử dụng làm chất đốt.

Chất thải (sau đốt lò hơi) không nguy hại, sau khi được xử lý nội bộ còn được dùng để sản xuất phân bón. Ngoài ra, vỏ hộp sữa của doanh nghiệp, sau sử dụng cũng được xử lý làm tấm lợp sinh thái. 

Phát triển theo xu hướng này, Công ty TNHH La Vie (tỉnh Long An) cũng đang đẩy mạnh mô hình “Zero Waste Disposal”. Ở đây, rác được phân loại tại nguồn để chuyển cho đơn vị tái chế những loại rác có thể xử lý trở thành nguyên liệu sản xuất.

Phần còn lại được xử lý theo công nghệ đốt thu hồi nhiệt, không phát thải. Nhiệt năng được thu hồi để phục vụ hoạt động sản xuất của chính đơn vị. 100% tro được dùng làm xi măng. Khí được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định. Quy trình này đã tạo ra một vòng kinh tế tuần hoàn, giúp rác thải được tận dụng triệt để thay vì phải chôn lấp hay thải ra môi trường.

Trước đây, La Vie từng hợp tác với đơn vị thứ 3 để sản xuất gạch từ rác thải. Hiện dự án này được chuyển đổi sang tận dụng tro (sau công nghệ đốt thu hồi nhiệt) để sản xuất xi măng. Việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn với tiêu chuẩn cao nhất trong xử lý rác thải góp phần hỗ trợ La Vie đạt mục tiêu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Tại Đồng Tháp một trong những vựa lúa lớn của cả nước, ở đây có nguồn vỏ trấu thu được sau khi xay xát lúa gạo hết sức dồi dào và ổn định. Nắm bắt xu thế phát triển của thị trường và hướng đến cuộc cách mạng xanh cho nền kinh tế, Công ty Mai Anh Đồng Tháp đã chọn vỏ trấu là nguồn nguyên liệu chính cho tất cả các sản phẩm của mình. Từ vỏ trấu thu được, bằng công nghệ tiên tiến, đơn vị này đã cho ra đời các sản phẩm phục vụ cả nông nghiệp lẫn công nghiệp. Điển hình như than trấu (biochar) được hầm trong điều kiện yếm khí, vỏ trấu cho ra than trấu sinh học có tỉ lệ carbon sinh khối từ 35%-40%.

Than trấu sinh học được trộn với các nguyên liệu sản xuất ra phân hữu cơ sinh học an toàn, bón vào đất trồng giúp cải tạo đất. Ngoài ra, vỏ trấu còn được dùng để sản xuất ra chất đốt (biomas) như củi trấu viên, củi trấu đập, silica... thân thiện với môi trường. 

tm-img-alt
Thu gom vỏ trấu để xử lý, sản xuất chất đốt tại Công ty Mai Anh Đồng Tháp.

Xu hướng phát triển tất yếu

Rõ ràng, việc đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng các chất thải, phụ phẩm sau sản xuất đã mang lại nhiều lợi ích cho bản thân doanh nghiệp và môi trường. Đối với doanh nghiệp, sẽ giúp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Đối với môi trường, sẽ hạn chế được nguồn chất thải lớn từ các hoạt động sản xuất.

Theo nhiều chuyên gia, đây là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hầu hết, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất thải, khí phát thải.

Do đó, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng chất thải sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong các hiệp định này. Đây cũng là tiền đề để thúc đẩy Việt Nam tăng tốc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết: “ở Việt Nam, hoạt động kinh tế từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, chưa chú trọng nhiều đến việc tái chế, tái sử dụng chất thải. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

Đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng chất thải, Việt Nam đang hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn (kinh tế xanh) - một mô hình kinh tế hiệu quả, thân thiện môi trường. Ở đây, chất thải đầu ra của ngành này có thể là nguyên liệu đầu vào của ngành khác. Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải.

tm-img-alt
Theo luật mới, trách nhiệm của nhà sản xuất với sản phẩm mở rộng đến giai đoạn thành rác thải. 

Đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khan hiếm nguồn tài nguyên, tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường sử dụng nguồn vật liệu tái chế sẽ góp phần giúp quốc gia hưng thịnh, đồng thời bảo vệ môi trường trong tương lai. quá trình “biến” những phế liệu trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị sẽ tạo mới nhiều việc làm và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Khi tái chế chất thải nghĩa là bạn đã biến hành động thành một phần của giải pháp giảm thiểu ô nhiễm. Là nhân tố quan trọng của xã hội, chúng ta cần nhận thức vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ môi trường. Thay vì kết thúc vòng đời tại các bãi rác, bạn hãy để rác thải có cơ hội đóng góp cho cuộc sống thêm xanh.

"Hoàn thiện chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất là một phần không thể thiếu trong quá trình đổi mới chính sách quản lý chất thải rắn và trong cuộc chiến chống rác thải nhựa hiện nay. Đây là một cách tiếp cận, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. Theo đó, quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất yêu cầu các nhà sản xuất chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm cả việc thu gom, tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (chuẩn bị cho) tái sử dụng, phục hồi hoặc xử lý cuối cùng.  Theo đó, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có 2 trách nhiệm: trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý." Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT

Thanh Thúy
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường