Đảm bảo an ninh năng lượng trong thách thức mới

Để hướng đến mục tiêu cam kết phát thải ròng bằng “0” - Net Zero vào năm 2050 tại COP26, việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia được đặt trong thách thức mới.
Nhu cầu và rào cản về nguồn nhân lực trong chuyển dịch năng lượngBài toán về nhân lực trong chuyển dịch năng lượng bền vữngViệt Nam phát triển năng lượng sạch: Cần những chính sách đột pháQuy hoạch điện VIII: Cơ chế mới thúc đẩy đột phá năng lượng Việt Nam

Việt Nam được đưa vào danh sách ưu tiên hợp tác năng lượng của G7

Trước thềm Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 52 tại Davos, Thụy Sỹ, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) Alok Sharma, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende; Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành, Tập đoàn Vestas Wind Systems ông Henrik Anderson và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới (NDB) Marcos Troyjo.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, việc vừa bảo đảm an ninh năng lượng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng vừa giảm phát thải là một bài toán rất phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về nguồn lực, công nghệ, năng lực quản trị. Do đó, Việt Nam mong muốn Anh, EU và các nước G7 khác sớm có cam kết cụ thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma, Việt Nam đã quyết định đúng đắn khi đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 tại COP26. Đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy triển khai cam kết này, nhất là việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Việt Nam có nhiều thế mạnh về năng lượng tái tạo. Tại cuộc họp tháng 3/2022, theo đề xuất của Anh, các thành viên G7 đã thống nhất đưa Việt Nam vào danh sách các nước G7 ưu tiên hợp tác năng lượng. Trên cơ sở đó, Chủ tịch COP26 mong muốn các nước G7 và Việt Nam sẽ sớm đạt thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững.

Đảm bảo an ninh năng lượng trong thách thức mới - Ảnh 1
Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, phát triển năng lượng tái tạo, đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Phó Thủ tướng chia sẻ Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và hướng đến quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia. Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tài chính tham gia, phát triển năng lượng tái tạo, đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam.

Trước đó, Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Hội đồng Thẩm định thông qua. Dự thảo lần này đã có nhiều thay đổi so với bản trình lần đầu (tháng 3/2021, trước Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu - COP26) khi nguồn điện “xanh, sạch” được phát triển mạnh, hướng đến mục tiêu cam kết phát thải ròng bằng “0” - Net Zero vào năm 2050 tại COP26. Việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng được đặt trong thách thức mới.

Thách thức mới

Trao đổi với báo chí, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình đánh giá, việc thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ gặp rất nhiều thách thức. Theo chuyên gia này, cơ sở cho việc tăng nguồn điện khí đang gặp khó khăn ngay từ hôm nay. Các dự án điện khí được đề xuất nhiều, nhưng không có dự án nào triển khai được. Giá khí LNG nhập khẩu hai năm nay tăng cao khiến cho giá bán điện dự tính từ nhà máy điện dùng LNG tăng cao. Trong khi, các mỏ khí trong nước đang cạn kiệt, các mỏ mới có giá khí cao hơn mỏ cũ. Do đó, giá bán điện dự tính từ các nhà máy dùng khí từ các mỏ mới sẽ cao hơn giá bán lẻ điện hiện tại của EVN.

Mặt khác, nếu các dự án điện khí không triển khai được thì các dự án năng lượng tái tạo cũng bế tắc, bởi dù có giá thấp hơn điện khí nhưng nguồn điện năng lượng tái tạo không ổn định, công suất khả thi phụ thuộc vào công suất nhiệt điện có thể phát dự phòng.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam còn phải đối mặt với các thách thức không nhỏ. Cụ thể, nhu cầu năng lượng Việt Nam vẫn tăng nhanh, thu hút đầu tư cho dự án luôn ở mức cao. Chính sách chuyển dịch năng lượng, trong đó có phát triển năng lượng tái tạo, chưa đầy đủ, ổn định. Hạn chế về vốn đầu tư, giá thành điện năng còn thấp; tồn tại những hạn chế nhất định về nhân lực và cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng lưới điện, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện.

Chính vì vậy, để phát huy các tiềm năng sẵn có, đối mặt và vượt qua các thách thức, ngành điện rất cần sự hỗ trợ, hợp tác giúp đỡ của các đối tác quốc tế cũng như sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân. "Sự hiểu biết và cùng chia sẻ của các đối tác quốc tế, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là nguồn lực hỗ trợ thiết thực, động lực để chúng tôi có thể triển khai thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng một cách hiệu quả và bền vững" - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Trên thực tế, để vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải khí nhà kính, việc đưa tính bền vững vào chiến lược kinh doanh cũng được nhiều doanh nghiệp năng lượng của Việt Nam thực hiện.

Theo Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Hoàng Quốc Vượng, năng lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh quyết tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng theo định hướng xanh hơn, sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị xác định rõ, để “bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững...”, cùng với phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, phải sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trên cơ sở “cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả”, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài để giảm cường độ năng lượng.

Lan Anh